Tuổi 90 vượt nghìn dặm trên xe lăn để làm từ thiện

Thứ Năm, 15/02/2018 14:10

|

(CATP) Dù đã 89 tuổi và phải ngồi xe lăn, nhưng cụ bà Nguyễn Thị Đức (ngụ P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn theo con cháu lặn lội hơn 1.600 cây số (cả đi lẫn về) để ra tận vùng rừng núi huyện An Lão, Bình Định dự lễ khánh thành dãy phòng học vừa xây xong.

500 triệu đồng đóng góp vào công trình này là số tiền cụ Đức dành dụm để lo “ngày trăm tuổi” của mình, nhưng cụ đã quyết định tặng hết để 151 đứa trẻ nghèo và hàng trăm học sinh (HS) người H’Rê, Ba Na các thế hệ sau… có được chỗ học khang trang gần nhà, thay vì phải lặn lội 4 - 5 km đường rừng. Tấm lòng của cụ Nguyễn Thị Đức khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.

Gia đình cụ Đức cùng đại diện Báo CATP bên dãy phòng học mới.

Cơ duyên với Báo CATP

Hơn 10 năm trước, một phụ nữ trung niên tìm đến Báo CATP với khuôn mặt đượm buồn. Đó là chị Thiên Hương - con gái cụ Đức. Năm đó con trai chị bị tai nạn giao thông qua đời, để lại người vợ trẻ và cô con gái nhỏ. Chị kể: “Mấy đêm liền tôi nằm mơ thấy con về giục phải xây chiếc cầu giúp người nghèo đi lại. Gia đình gom góp được 150 triệu đồng, đến nhờ quý báo tìm nơi cần xây giúp một chiếc cầu để vong linh cháu được thỏa nguyện”...

Anh chị em tiếp bạn đọc ở tòa soạn hôm đó rất xúc động, trước tấm lòng của người phụ nữ vừa trải qua nỗi đau mất con. Hoàn cảnh của chị cũng chẳng phải khá giả: chị bán một quán cà phê nhỏ trong hẻm để trang trải sinh hoạt gia đình. 150 triệu đồng làm từ thiện vì thế càng thêm ý nghĩa. Chúng tôi đã liên hệ và chọn được địa điểm xây cầu tại một xã vùng sâu tỉnh Cà Mau.

Anh Chương ân cần chăm sóc mẹ,trong chuyến đi từ Sài Gòn ra Bình Định khánh thành phòng học

Ngày khánh thành, chị Hương cùng mẹ là cụ Nguyễn Thị Đức về dự. Chứng kiến không khí rộn ràng như ngày hội ở vùng nông thôn xa xôi cách trở, cụ Đức và con cháu vô cùng xúc động. Từ đó, gia đình cụ thường xuyên đồng hành cùng các hoạt động xã hội - từ thiện của Báo CATP. Cụ Đức và con cháu, dâu rể, bạn bè... đã đóng góp nhiều tỷ đồng để xây nhiều chiếc cầu, phòng học, trao học bổng và tặng quà Tết cho bà con nghèo, giúp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Riêng vợ chồng anh Thông - chị Lan (con trai và con dâu cụ Đức) đã tặng 6 chiếc cầu với trị giá gần 2 tỷ đồng cho các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bến Tre... và sắp tới sẽ gửi 300 triệu nữa để xây thêm cầu giúp đồng bào nghèo.

Cũng như chị Hương, chị Lan hàng ngày phải thức khuya dậy sớm bán bún bò ở Q9, TPHCM, tần tảo gom góp cho đủ 300 triệu đồng đến gửi Báo CATP xây cầu cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa. Cuộc “trường chinh” vì người nghèo của gia đình cứ âm thầm, miệt mài từ ngày này sang tháng khác ròng rã hơn chục năm nay. Biết bao gia đình khó khăn và học sinh nghèo đã được hỗ trợ, giúp đỡ nhờ những tấm lòng nhân ái ấy...

Chuyến đi của một tấm lòng vàng

Cận kề tuổi 90, sức khỏe xuống rất nhanh, cụ Nguyễn Thị Đức không thể đi đứng như người bình thường mà phải ngồi xe lăn và mọi sinh hoạt đều cần người hỗ trợ. Điều khiến cụ luôn day dứt là không thể cùng con cháu và Báo CATP đi làm từ thiện.

Cuối năm 2016 đầu 2017, trận lũ lịch sử tàn phá các tỉnh miền Trung khiến hàng chục người thiệt mạng. Xúc động khi chứng kiến cảnh hoang tàn từ vùng lũ được phát trên tivi, cụ bàn với con cháu mang 500 triệu đồng mà cụ tích cóp dành lo chuyện ốm đau cuối đời giúp đồng bào vùng thiên tai. Cũng như mẹ, các con và dâu rể của cụ hoàn toàn ủng hộ. Thế là chị Thiên Hương tiếp tục mang 500 triệu đồng đến tòa soạn gửi vào Quỹ xã hội - từ thiện và Báo CATP đã chuyển toàn bộ số tiền này để xây tặng Trường tiểu học xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định 3 phòng học.

Cụ Đức dự lễ khánh thành dãy phòng học. Ảnh: Ngọc Huy

Ngày 28-8-2017, cụ Đức được chị Hương và anh Chương (con trai út) tổ chức hành trình công phu: đưa cụ từ Q.Thủ Đức ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Bình Định. Sau khi ngồi xe lăn gần 3 tiếng đồng hồ ở nhà ga vì máy bay trễ chuyến, cụ được chuyển lên máy bay bằng xe nâng. Xe của Báo CATP đón cụ từ sân bay Phù Cát về TP.Quy Nhơn và sáng hôm sau đưa cụ đến nơi khánh thành trường cách đó khoảng 130km, với hơn nửa là đường độc đạo len lỏi giữa vùng rừng núi.

Mỗi lần cụ lên xuống xe, anh Chương phải bế mẹ đặt lên ghế trước, xếp xe lăn lại cất sau cốp ôtô; đến nơi lại lấy xe ra, đặt cụ vào... Mỗi bữa, cụ ngồi xe lăn rồi 2 con thay nhau bón từng thìa sữa, muỗng súp cho cụ. Chị Hương, anh Chương âu yếm gọi mẹ là “cục vàng” và cưng chiều hết mực. Ngoài tấm lòng dành cho người nghèo, họ còn là những người con hiếu thảo mà ai cũng tấm tắc khen.

Gần 6 tiếng trong hành trình cả đi lẫn về trên chặng đường vừa hẹp lại gồ ghề, chiếc ôtô nhiều đoạn dằn xóc, nảy lên bần bật, trong khi thời tiết nắng gắt, nóng hầm hập, khiến ngay cả những thanh niên trẻ khỏe theo đoàn cũng thấy ê ẩm, huống hồ một người già tuổi 90, đau yếu như cụ Đức. Thế mà cụ cũng dẻo dai đi được đến nơi ao ước cuối đời.

Cây cầu do 2 cháu Như Quỳnh - Tâm Như tặng ở Đồng Tháp. Ảnh: Trung Oanh

Các con cụ kể, từ khi biết số tiền dành dụm để dưỡng già của mình sẽ được dùng để xây lại các lớp học đã sụp đổ do mưa lũ, cụ nôn nao muốn thấy điều đó trước khi về với tổ tiên. Hiểu được nguyện vọng của cụ, chúng tôi thường xuyên liên lạc với thầy Bình, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện An Lão, nắm tiến độ thực hiện và cầu mong cụ gắng được đến ngày hoàn thành dự án. Bây giờ, mọi mong ước đang thành sự thật...

10 giờ sáng 29-8-2017, chúng tôi đưa cụ Đức đến Trường tiểu học An Hưng. Các lãnh đạo chính quyền, ngành giáo dục của huyện và thầy cô của trường đã chờ sẵn. Tất cả đều bất ngờ khi nhà tài trợ được con trai ẵm từ ôtô đặt vào xe lăn, đẩy đến trước dãy phòng học mới tinh sơn màu xanh dịu nhẹ. Anh Chương đẩy mẹ đi dọc hành lang rồi vào từng phòng học khang trang, sạch đẹp, có quạt trần và cửa sổ mở ra thung lũng trải dài theo dãy núi bao quanh... Khuôn mặt đang mệt mỏi vì tuổi già, bệnh tật và chặng hành trình vất vả của cụ Nguyễn Thị Đức tươi dần lên rồi rạng rỡ nụ cười. Nhiều người trong đoàn hỏi: “Cụ thấy trường có đẹp không ạ?”, mắt cụ hấp háy, miệng thốt lên: “Đẹp... đẹp...”.

Từng tham gia cả trăm chuyến công tác từ thiện, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy xúc động trước tấm lòng của nhà tài trợ như bây giờ. Đây là Mạnh Thường Quân lớn tuổi nhất, sức khỏe kém nhất, đã ngồi xe lăn để di chuyển gần nghìn dặm đường (khoảng 1.600 cây số) cả đi lẫn về để trao món quà vô cùng ý nghĩa cho hàng trăm HS nghèo người H,Rê, Ba Na ở vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Bình Định... Chuyện cổ tích có lẽ cũng chẳng thể có hậu hơn câu chuyện thực mang tính nhân văn sâu sắc này!

Báo Công an TP.HCM xây cầu cho đồng bào nghèo
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang