(CAO) Đã hơn một tháng kể từ ngày mẹ ruột về bên kia thế giới, Trung tá Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Trưởng Công an phường Bình Trưng Tây (TP.Thủ Đức) vẫn chưa thể nguôi ngoai. Mỗi lần thắp nhang cho mẹ là nước mắt chị trào ra. Nỗi đau mất mẹ vẫn còn đó, càng day dứt hơn khi chị luôn tự trách chính mình là nguyên nhân gây ra cái chết của người mà mình yêu quý nhất.
Nhiễm Covid-19 khi làm nhiệm vụ và lây cho cả gia đình
Bình Trưng Tây là một trong những phường đông dân của TP.Thủ Đức với hơn 32 ngàn nhân khẩu, gần 8.500 người trong đó thuộc diện tạm trú. Cuối tháng 7-2021, khi TPHCM bước vào đỉnh dịch, phường Bình Trưng Tây cũng không ngoại lệ với hơn 93% diện tích là vùng đỏ.
Với vai trò Phó trưởng Công an phường, Trung tá Nguyễn Thị Mai Hương đã chủ động gửi 2 con gái nhỏ (13 và 11 tuổi) về nhà bố mẹ đẻ (đã gần 80 tuổi) để tập trung cùng anh em đơn vị tham gia các mặt công tác.
Từ truy vết F0, F1, tham gia vào các chốt cửa ngõ trên địa bàn phường đến kiểm tra các điểm cách ly y tế của địa phương, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ và trực tiếp mang lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm đến trao cho người dân… không hoạt động nào vắng mặt chị. Không may trong quá trình này, chị bị nhiễm Covid-19 và lây cho cả gia đình.
“Thời gian dịch bệnh thì mình và anh em đơn vị đều ở lại cơ quan công tác 24/24. Tuy nhiên, là phụ nữ nên đôi khi có những bất tiện trong sinh hoạt, ví dụ những lúc đồ đạc hết thì mình về nhà lấy. Và trước khi về mình đều test nhanh âm tính mới về nhưng virus xâm nhập lúc nào không biết. Trong quá trình giao đồ qua lại với gia đình thì vô tình mình mang bệnh về cho ba mẹ và hai con” - Trung tá Hương nói về nguyên nhân lây cho cả gia đình.
Là lực lượng vũ trang, đồng chí Hương được chế độ chăm sóc của y tế trong ngành. Nhưng nghĩ đến cảnh mỗi người một nơi khi đi điều trị, trong khi ba mẹ đã lớn tuổi và 2 con cũng còn nhỏ không thể tự chăm sóc được, chị quyết định xin điều trị tại nhà để được ở bên cạnh gia đình.
Mỗi lần thắp nhang cho mẹ là một lần nước mắt chị lại trào ra.
Vượt qua những triệu chứng của bệnh Covid-19, chị vừa chăm sóc cho mình, vừa chăm lo cho 4 thành viên trong gia đình. May mắn là chị không bị trở nặng nên tuy điều trị cách ly tại nhà, vừa chăm sóc gia đình, chị vẫn có thể giải quyết những công tác chuyên môn tại đơn vị.
Ít ngày sau khi mắc bệnh, mẹ chị trở nặng được đưa vào viện điều trị. Nỗi lo của chị càng lớn hơn vì nhiều ngày không nắm bắt được tin tức gì của mẹ ngoài tin nhắn thông báo của bệnh viện là bệnh tình bà trở nặng. Và không may, điều chị lo lắng nhất cuối cùng đã xảy đến: mẹ chị không qua khỏi.
Nhớ lại ngày nhận tin từ bệnh viện, chị xúc động: “Nếu như mình không gửi con về nhà ông bà thì có lẽ chuyện cũng không đến mức như vậy”.
Người cha hiện là chỗ dựa tinh thần cho chị vượt qua nỗi đau mất mẹ
Nén đau thương để tiếp tục chống dịch và giúp đỡ người dân
Khi cả gia đình được điều trị khỏi bệnh cũng là lúc chị nhận được tro cốt của mẹ. Nuốt ngược nước mắt vào trong, người phụ nữ trụ cột cố tỏ ra mạnh mẽ để chăm lo cho các thành viên còn lại trong gia đình và làm chỗ dựa tinh thần cho anh em đơn vị.
“Lúc mẹ qua đời thật sự gia đình và bản thân rất là sốc, suy sụp tinh thần, nhưng… nói gì thì nói, đó là nỗi đau riêng của mình. Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, người dân rất là khổ, rồi anh em đơn vị cũng ngày đêm căng sức ra làm mà bản thân mình là chỉ huy mà lại ở nhà giống như chờ khôi phục tinh thần thì rất đau đáu. Mình cũng cố gắng chu tất việc của mẹ để cùng anh em đơn vị tiếp tục trên tuyến đầu phòng chống dịch. Mong là không một ai phải trải qua nỗi đau như mình nữa”.
Trung tá Hương nén nỗi đau riêng để cùng anh em đơn vị tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giữa căng thẳng dịch bệnh
Trung tá Hương kiểm tra tại nơi cấp phát tiền hỗ trợ cho người dân.
Sáng đầu tuần mưa bay lất phất, trong phòng làm việc, Trung tá Nguyễn Thị Mai Hương tranh thủ ký nhanh xấp hồ sơ để cùng Cảnh sát khu vực xuống địa bàn nắm tình hình dân cư và kiểm tra công tác thực hiện gói an sinh số 3. Mục tiêu của chị và anh em trong đơn vị là đảm bảo tất cả những người dân có hoàn cảnh khó khăn đều được trợ cấp đúng đối tượng, không ai bị sót lọt và đứt bữa.
Những lúc nhớ mẹ, một mình tại nơi làm việc, chị lại đưa tay sờ nhẹ lên băng tang đen trên ngực áo. Nỗi đau này có lẽ chị sẽ khó thể nào nguôi ngoai nhưng chị sẽ giữ đó như một nỗi niềm riêng để mạnh mẽ bước tiếp trong hành trình dài phía trước.
Trung tá Hương và đồng đội tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
TPHCM đang từng ngày hồi phục, phường Bình Trưng Tây cũng sắp lấp đầy các mảng xanh yêu thương. Cuộc chiến nào cũng có những mất mát. Sự bình yên của TP hôm nay được đánh đổi bằng những câu chuyện hy sinh, mất mát của hàng triệu người nơi tuyến đầu, trong đó có những câu chuyện, nỗi niềm của người nữ Phó trưởng Công an phường mạnh mẽ, kiên cường.