Dân Bảy Núi “nướng” tầm vông dưới cái nắng đổ lửa

Thứ Sáu, 25/05/2018 14:19  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Công việc này họ phải làm suốt ngày ngoài nắng, chịu cái nóng hừng hực của lò than, đứng liên lục hàng giờ đồng hồ… đổi lại có nguồn thu nhập đến vài trăm ngàn đồng/ngày.

Mùa thu hoạch tầm vông vùng Bảy Núi diễn ra nhộn nhịp từ tháng giêng cho đến tháng 6 âm lịch. Công việc này kéo theo dịch vụ đốn, vận chuyển, uốn tầm vông phát triển theo.
Vận chuyển tầm vông thường dùng xe bò. Mỗi xe chở được 200 – 400 cây, giá chở 1.500 đồng/cây.
Những ngày này, đến kênh Bến Xã thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang sẽ thấy những bãi tầm vông tập kết san sát, chất la liệt bờ kênh.
Nghề uốn tầm vông diễn ra khoảng 20 năm nay. Những người thợ nhìn ngọn lửa, chiều thổi của gió mà dàn đều thân từ gốc đến ngọn.
Anh Nguyễn Văn Đạt (36 tuổi, ngụ ấp Tà Sóc, xã Lương Phi) cho biết: “Mỗi ngày làm việc từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều, nếu thuận nắng được 450 – 500 cây thành phẩm; còn mưa gió thất thường chưa đầy trăm cây. Dù nghề này thu nhập thất thường nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình 5 miệng ăn”.
Công việc uốn tầm vông được thực hiện theo cặp, cứ một người uốn gốc người kia sẽ uốn ngọn. Mỗi cây thành phẩm được chủ trả công 1,5 ngàn đồng.
Trước khi đưa tầm vông vào uốn, người thợ phải nhóm chiếc lò củi trong khoảng 15 phút.
Lò uốn giá đỡ được tạo nên từ hơn chục cây tầm vông, các trụ chính làm bằng cây bạch đàn, đà ngang của lò được khắc từ 10 – 12 rãnh để đặt cây cần uốn.
Tầm vông uốn ít 2 – 3 mối, còn nhiều lên đến 5 – 7 mối, mỗi mối uốn mất khoảng một phút. Các điểm cong của tầm vông không được đánh dấu mà chỉ nhìn bằng mắt để xác định.
Đối với người thợ uốn gốc sẽ có thêm móc đè cây xuống, còn ngọn chỉ cần đặt vào lò đợi đủ lửa là bẻ. Cái khó của nghề uốn tầm vông là thiếu nguyên liệu và thời tiết thất thường.
Anh Đạt còn cho hay: “Nghề này làm ngoài bãi trống không cất trại, bởi cây cong được đổ thành đống nếu đưa vào lò không thao tác được. Thấy nguồn thu nhập vậy chứ thất thường lắm, bởi có khi làm một ngày ,nghỉ 5, 7 ngày”.
Anh Nguyễn Văn Bợ (33 tuổi, ngụ ấp An Ninh, xã Lương Phi) cho biết: “Tôi và đứa cháu uốn cây khi mới 15 tuổi. Trước đây, mỗi cây uốn được trả 1,2 ngàn đồng năm nay tăng lên 1,6 ngàn đồng. Ngày nào thấp cũng được 70 – 80 ngàn, còn cao khoảng 200 ngàn đồng/người”.
Theo lời anh Bợ, nghề này nặng nề, bốc dỡ cây và đứng ngoài nắng, mỏi chân, làm suốt chứ không được nghỉ.
Làm nghề uốn tầm vông không chỉ có nam giới mà còn phụ nữ tham gia. Nhiều lao động bám trụ với nghề nhưng do quá nhọc nhằn và nguồn thu nhập thất thường nên không ít người bỏ đi thành phố lập nghiệp.
Bãi tập kết và gia công tầm vông ở kênh Bến Xã phải kể đến như: Hai Ngọc, Hai Mẫn, Ba Buôl, Sáu Kiểng, Bảy Sách…
Mỗi trại có từ 4 – 7 lò uốn, thu hút trên dưới chục công nhân làm việc. Mỗi ngày nơi đây có hơn 10.000 cây đưa đi các tỉnh tiêu thụ.
Tầm vông uốn xong được cắt gọn và vô bó 10 cây trước khi đưa đi tiêu thụ, kể cả ngọn.
Lái buôn Huỳnh Văn Xuyên cho biết: “Mỗi ghe buôn có trọng tải khoảng 30 tấn luôn thường trực từ 3 – 4 người. Số vốn để cho mỗi chuyến hàng 6.000 cây là 150 triệu đồng”.
Mỗi chuyến cây chỉ cần vận chuyển tới chợ là giao cho mối, sau đó họ bán lẻ cho người dân mua về sử dụng. Từ lúc đi thu mua cho đến bán hết hàng là khoảng 15 ngày, trừ hết các khoản chi phí còn lãi 8 triệu đồng.
Việc vận chuyển cây đi tiêu thụ có 2 hình thức, một là bằng ghe bầu đi các tỉnh như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Kiên Giang, Trà Vinh hoặc chở xe tải lên Tây Ninh, Bình Phước… Riêng đối với bãi tập kết hàng ở kênh Bến Xã có hơn 30 ghe.
Người dân mua để phục vụ việc nuôi thủy hải sản, cất chòi, xào đồ, làm thủ công mỹ nghệ… Theo lời các lái buôn, làm nghề lái tầm vông khỏe hơn nghề khác lại ổn định nhưng đổi lại sống xa nhà.

Bình luận (0)

Lên đầu trang