Chiến sự sẽ thay đổi tại Syria

Thứ Ba, 08/09/2015 14:02  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Trong khi tình hình người di tản đi xuyên qua Hungary và Áo để sang Đức đang làm dư luận thế giới quan tâm mỗi ngày thì tình hình chiến sự tại Syria cũng sẽ có sự thay đổi.

Một số chính khách châu Âu, từ tả sang hữu, đã có can đảm để nói ra nhận định là ba sự kiện quan trọng tại Trung Đông, đó là sự tiêu diệt Saddam, Khadafi và cuộc chiến chống lại IS đang diễn ra tại Syria, là ba mồi lửa châm đốt khu vực này, hiện đang gây biến loạn cho châu Âu, cụ thể là các sự kiện khủng bố và sự kiện người di tản.

Sự tàn phá các di tích văn hóa vô giá của chung cả nhân loại tại Palmyra cũng như việc hành quyết ông Khaled Asaad, 82 tuổi. giám đốc bảo tồn văn hóa của Palmyra bởi lực lượng IS đã làm cho dư luận rất bức xúc.

Ngày 07-09-2015, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố tại Paris rằng ông đã yêu cầu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Le Drian gửi máy bay thám thính đến Syria để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng máy bay tại các căn cứ, cơ sở của Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp từ chối không gửi quân đội chiến đấu đến nước này.

Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố ngày 07-09-2105 "Chúng tôi sẵn sàng tham chiến (tại Syria)

Quyết định mới này đã chứng tỏ Pháp đã thay đổi chiến lược đối với lực lượng Hồi giáo đang hoành hành tại Syria, nhưng Pháp cũng nhấn mạnh là sự tham chiến của Pháp không phải để ủng hộ chính phủ Baschar al-Assad đương nhiệm. Đó là sự khác biệt.

Tại Anh thủ tướng Cameron tuyên bố với tờ Sunday Times là đầu tháng 10 ông sẽ yêu cầu quốc hội Anh chấp thuận một cuộc oanh tạc nhà nước Hồi giáo IS tại Syria. Hai năm trước đây các dân biểu quốc hội Anh đã từ chối một cuộc tham chiến chống lại IS.

Bộ Ngoại giao Syria đã viết công văn gửi Liên Hiệp Quốc phản đối sự can thiệp của Anh và Pháp trên lãnh thổ nước này.

Và Syria chỉ công nhận nước Nga là đồng minh giúp đỡ, ủng hộ chính quyền của ông Baschar al-Assad.

Lúc này, Mỹ lại báo động và cảnh báo Nga về sự can thiệp của Nga tại Syria..

Tờ Los Angeles Times đăng bài, từ nguồn cung cấp thông tin bởi nhân viên tình báo Mỹ, và các hình ảnh satellite chụp các động tác quân sự của Nga trong việc giúp đỡ Syria, chứng tỏ tổng thống Nga Putin đang tích cực giúp đỡ quốc gia này chống lại IS

Tại khu vực tây-bắc của Syria, Nga đang xây dựng căn cứ cho khoảng 1.000 quân lính, một căn cứ lưu động để kiểm soát không phận đã được Nga cho dời về Latakia. Các loại vũ khí như máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, cũng như xe tăng của Nga cũng đã xuất hiện tại Syria.

Một nữ phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Nga tuyên bố hôm 07-09-2015 là nước Nga không hề "dấu diếm" sự kiện Nga ủng hộ chính quyền Syria chống lại sự khủng bố của Nhà nước Hồi giáo IS

Từ khi cuộc chiến bắt đầu cách đây bốn năm, Syria đã bị thiệt hại nhân mạng khoảng 250.000 người, và có khoảng 11 triệu người đi di tản, trên tổng số dân số là 22,265 triệu người.

Máy bay chiến đấu của Pháp

Trong cuộc chiến tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng theo đuổi một chiến lược "nước đôi". Một mặt Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Mỹ và thay mặt Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS. Nhưng mặt khác, quan trọng không kém đối với Thổ Nhĩ Kỳ là lợi dụng tình thế để tiêu diệt luôn thể thành phần PKK (đảng Lao động của người Kurde). Vấn đề mâu thuẫn giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurde đã kéo dài từ quá khứ.

Một nhánh của PKK định cư tại phía bắc của Syria mang tên YPG (Tự vệ dân tộc của người Kurde, hiện đang chiến đấu chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS.

Đất nước Syria trở thành một bãi chiến trường, có một kẻ thù là lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo, nhưng có hai phe, một phe là nước Nga ủng hộ chính phủ Baschar al-Assad, một phe kia là Anh, Mỹ, Pháp, Thổ….và các quân đội đồng minh khác vừa chống IS vừa chống Al-Assad.

Trong một tình hình chiến tranh có nhiều đạo quân của nhiều nước tham chiến như thế, thì chỉ có dân, người già, phụ nữ và trẻ em là khổ nhất

Bình luận (1)

Syria phải nêu cao cảnh giác khi Pháp, Anh, Mỹ lợi dụng ném bom IS để tiêu diệt lực lượng Syria và dân thường . Một số chính khách châu Âu lẽ ra phải nhìn thấy sớm sự sai lầm của EU khi tham gia lật đổ chính phủ của các nước Bắc Phi và Trung Đông . Làn sóng di cư của người các nước có chiến sự sẽ còn tăng lên gây áp lực cho EU nếu chính phủ các nước Bắc Phi, Trung Đông khuyến khích và mở cửa cho dân di cư . Tới đây sẽ còn luồng gió di cư mới từ Liban sang các nước EU nữa .

Duy Kha - Thứ Ba, 08/09/2015, 14:49 Trả lời | Thích
Lên đầu trang