Người Đức lo tương lai đất nước sau khi nhận người di cư

Chủ Nhật, 06/09/2015 19:01  | Minh Phương

|

(CAO) Dưới sức ép ngày một tăng, Hungary cuối cùng đã mở cửa biên giới của mình với Áo và đến hết ngày thứ bảy, 5-9-2015, Áo đã tiếp nhận tới 10.000 người di trú. Vienna tuyên bố không giới hạn số người di cư băng qua biên giới của mình.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Đức có thể đối phó với làn sóng người mới tới mà không cần phải tăng thuế hay gây nguy hiểm cho ngân sách nhà nước. Nhưng cả Đức và Hungary đều tuyên bố quyết định mở cửa biên giới cho người tìm kiếm tị nạn là một trường hợp ngoại lệ - vì những lý do nhân đạo – và do “các quy định Dublin” yêu cầu mọi người tị nạn phải nộp đơn ở quốc gia EU đầu tiên mà họ đến

Khi hàng chục ngàn người tìm kiếm tị nạn giờ tiếp tục kéo về Đức, điểm đến mơ ước của họ, cùng với hơn 104.000 người đồng cảnh ngộ nữa đã có mặt trong nước này, các nguồn lực của Đức bị kéo căng và đưa ra vô vàn thách thức cho các nhà chức trách từ Bavaria tới Berlin.

Dù bà Merkel đã tuyên bố có thể xoay xở được về mặt hậu cần, nhưng hòa nhập lâu dài nhóm người theo dự tính đạt tới 1% tổng dân số, hầu hết theo những tôn giáo khác nhau và có những thế giới quan khác nhau, là vấn đề khác hoàn toàn.

Sau khi băng qua biên giới Áo, dòng người di cư được đưa tới Vienna - Ảnh: EPA

Trong khi viễn cảnh chấp nhận ước khoảng 800.000 cư dân mới trong năm nay đưa ra cho Đức một cơ hội làm trẻ lại nhân khẩu học đang già hóa và đảm bảo cho sự thịnh vượng kinh tế của nước này, nó cũng thách thức sự đồng nhất văn hóa mà người Đức đang tự hào.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tuần báo Die Zeit, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière chia sẻ: “Người tị nạn đồng nghĩa với thay đổi ghê gớm. Chúng tôi phải chấp nhận suy nghĩ rằng nước mình đang thay đổi.”

Những thay đổi đó đã tới ngưỡng cửa. Khi hàng ngàn người di trú được phép rời Hungary tối thứ sáu và được xe buýt chở tới biên giới Áo, nhiều người ôm theo tấm áp phích in hình Thủ tướng Angela Merkel.

Điều này cũng dễ hiểu. Trong quá khứ Đức nhiều lần đối phó với các làn sóng di cư như vậy và những người mới đến thường nhận được sự hỗ trợ hào phóng tại đây. Hàng ngàn người tình nguyện dựng trại và nuôi người di trú. Nhiều người khác phát nước, trái cây cho người tị nạn nhằm giúp họ bớt sốt ruột khi phải chờ đợi các thủ tục đăng ký kéo dài.

Cảnh sát Munich từ thứ hai tuần trước tới giờ đang giám sát các đoàn tàu từ Budapest chạy đến , mỗi chuyến đều chật cứng khoảng 1.300 người di cư. Khi thành phố này chuẩn bị cho làn sóng người mới nhất hôm 5-9, những người tình nguyện được đưa vào các kế hoạch phản ứng chính thức của chính quyền.

Nhưng e rằng sự hào phóng sẽ không kéo dài. Bộ Xã hội kỳ vọng chính phủ Đức chi từ 1,8 tỷ đến 3,3 tỷ euro trong năm 2016 để phục vụ các nhu cầu cơ bản của người tị nạn: học ngôn ngữ và đào tạo nghề.

Khi những chi phí này tăng, nối oán giận ắt tăng theo. Đức đã chứng kiến một làn sóng phản ứng dữ dội chống lại người di trú – phải nói là tồi tệ nhất châu Âu. Trong sáu tháng đầu năm nay, có hơn 200 vụ đốt phá và tấn công khác nhằm vào các cơ sở dành cho người di cư và bản thân họ.

Ronny Zasowk của Đảng Dân chủ quốc gia cực hữu Đức cảnh báo rằng làm sóng nhập cư khổng lồ này sẽ phá vỡ mọi cấu trúc xã hội và có thể khiến Đức dễ bị nguy hiểm hơn cả chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hay khủng bố.

Nhiều người, trong đó có cả bà Merkel, đã so sánh những thách thức mà Đức đang phải đối mặt với những quyết định lịch sử sau khi phá đổ bức tường Berlin tháng 11-1989, lúc các lãnh đạo Tây Đức nhanh chóng ban hành các biện pháp nhằm đảm bảo sự hợp nhất Đông - Tây sau nhiều thập kỷ chia cắt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang