(CAO) Hơn 2 thập kỷ (25 năm) từ khi Nam Phi bãi bỏ chế độ phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và người da đen (Apartheid) , tuy nhiên đến nay chênh lệch giàu – nghèo giữa những người da trắng thiểu số và phần còn lại của dân chúng vẫn rất lớn.
CNN nhận định dân chủ ban phát tự do trên toàn Nam Phi là không đủ để thay đổi mức sống của người dân ở phần lớn thị trấn, làng mạc ở đất nước này.
25 năm qua, Nam Phi trở thành quốc gia có nền kinh tế bất bình đẳng nhất Thế giới, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Thậm chí quốc gia này còn bị chia rẽ nhiều hơn so với năm 1994.
Mới đây, một bức ảnh lan truyền trên mạng đã cho thấy thực trạng chênh lệch giàu – nghèo này tại khu Bloubusrand ở thành phố Johannesburg. Bức ảnh thể hiện khung cảnh nhà cửa tại hai khu dân cư nằm kế cận nhau của khu này, được phân chia bởi một bờ rào.
Bên trái ảnh là khu định cư của những người thuộc tầng lớp trung lưu với những ngôi nhà rộng lớn, thoáng đãng có bể bơi. Trong khi bên phải bức ảnh là những dãy nhà ọp ẹp của một khu tái định cư tồi tàn.
Bức không ảnh về hai khu nhà giàu có và tồi tàn ở khu Bloubusrand - thành phố Johannesburg cho thấy bức tranh về chênh lệch giàu - nghèo ở Nam Phi - Ảnh: Getty
Những người nghèo ở Nam Phi sở hữu tài sản ít hơn, được trang bị ít kỹ năng hơn để hội nhập trong thời toàn cầu hoá, có mức lương thấp hơn và có nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp hơn, theo báo cáo về tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng ở Nam Phi của Ngân hàng Thế giới năm 2018.
Trong khi đó cộng đồng người da trắng thiểu số ở nước này vẫn tiếp tục giảu có, chiếm nhiều tài sản hơn.
Chiếc bẫy giàu – nghèo ngày càng nới rộng chênh lệnh ở Nam Phi hơn ở bất kỳ quốc gia nào.
CNN dẫn lời Mthandazo Ndlovu đến từ tổ chức phi chính phủ Oxfam nhận định: “Đây là kết quả của một hệ thống thất bại ở cấp độ quản trị của chính phủ. Bất bình đẳng không chỉ đến từ thu nhập mà còn thể hiện ở sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội và các dịch vụ công thiết yếu”.
Theo Ndlovu, nền dân chủ đã cho người dân Nam Phi sự tiếp cận tốt hơn trong lĩnh vực đất đai, được chăm sóc y tế, tiếp cận các dịch vụ cơ bản như điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên vướng mắc là sự phân chia phúc lợi xã hội.
Theo Ngân hàng Thế giới, các hộ gia đình giàu nhất ở Nam Phi giàu gấp 10 lần các hộ nghèo. Ndlovu chia sẻ: “Nếu bạn nhìn vào số người đi ngủ trong khi dạ dày còn trống rỗng ở nước này, con số sẽ khiến bạn thảng thốt”.