(CAO) Hôm 9-12, CNN đưa tin sau hơn một thập kỷ tranh cãi, cuối cùng Trung Quốc và Nepal đã thống nhất được với nhau về việc đỉnh Everest – đỉnh núi cao nhất Thế giới nằm trên dãy Himalaya có độ cao bao nhiêu.
Theo đó, đỉnh núi cao nhất Thế giới, nằm ở biên giới Nepal - Trung Quốc thuộc dãy Himalaya nay được quan chức hai nước công nhận là có độ cao 8848,86 mét. Kết quả đo đạc này được cả hai đồng công bố vào ngày 8-12-2020.
Đây là độ cao của đỉnh núi cao hơn 1 mét so với độ cao được công nhận trước đó. Thỏa thuận đánh dấu sự kết thúc cho một cuộc tranh luận kéo dài về độ cao chính thức của ngọn núi.
Trong nhiều năm qua, hai quốc gia cũng như các nước khác trên thế giới đã đưa ra các ước tính khác nhau về độ cao của ngọn núi.
"Dự án là niềm tự hào quốc gia đối với Nepal và là một cam kết có uy tín đối với chính phủ Nepal. Tôi cảm thấy rất tự hào vì chúng tôi đã có thể hoàn thành nó thành công" - Susheel Dangol, Phó Tổng giám đốc Cơ Khảo sát của Nepal nói với CNN. "Nepal và Trung Quốc đã cùng xử lý dữ liệu khảo sát và đưa ra kết quả” – vị quan chức này cho biết.
Cuộc họp trực tuyến công bố độ cao mới của ngọn núi có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Nepal - Pradeep Kumar Gyawali và người đồng cấp Trung Quốc - Vương Nghị.
Đỉnh Everest chính thức có độ cao mới - Ảnh: audigazette.com.sa
Vào năm 2005, một cuộc khảo sát của Trung Quốc về độ cao của ngọn núi đã ước tính rằng nó cao khoảng 8.844 mét.
Tuy nhiên, vì nghiên cứu không được cấp phép của Nepal nên nước này không công nhận đây là chiều cao chính thức. Vào thời điểm đó, họ đang sử dụng độ cao 8.848 mét cho ngọn núi, phù hợp với kết quả của một cuộc khảo sát năm 1955 ở Ấn Độ.
Sau đó, vào năm 2015, nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng độ cao của ngọn núi có thể đã thay đổi sau khi một trận động đất mạnh 7,8 độ richter tại Nepal. Hai năm sau, chính phủ Nepal lần đầu tiên khởi động sứ mệnh đo lại chiều cao của ngọn núi này.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đến Nepal năm ngoái, cả hai nước đã nhất trí cùng nhau công bố độ cao mới cho ngọn núi, gọi đỉnh cao này là "biểu tượng vĩnh cửu của tình hữu nghị giữa Nepal và Trung Quốc”.
Sau chuyến thăm của ông Tập, Trung Quốc bắt đầu đo đạc từ sườn núi bên phía Tây Tạng.
Các nhà khảo sát địa chất của Nepal tiến hành đo đạc ở khu vực núi Everest - Ảnh: CNN
Bắc Kinh đã cử một nhóm gồm tám thành viên để thực hiện cuộc khảo sát của riêng mình. Kể từ đó, hai bên đã phân tích các phát hiện của họ.
Độ cao mới được tính toán bằng cách sử dụng kết hợp dữ liệu trắc địa nhận được từ ba dụng cụ: thiết bị san lấp mặt bằng, máy đo trọng lực và định vị GPS.
Nhóm nghiên cứu đã đặt một máy thu tín hiệu ở mọi trạm và đo thời gian để tín hiệu truyền giữa máy thu và vệ tinh sau đó chuyển đổi phép đo đó thành độ cao.
Everest được dự báo sẽ liên tục cao lên trong thời gian tới do hoạt động kiến tạo giữa hai mảng kiến tạo là Ấn Độ và Á – Âu vẫn đang diễn ra mạnh. 2 mảng kiến tạo này vẫn tiếp tục dịch chuyển, va vào nhau đẩy nền địa chất ở nơi va chạm lên cao.