Hành trình khắc nghiệt tìm đông trùng hạ thảo trên nóc nhà thế giới

Thứ Tư, 03/07/2019 00:59

|

​(CAO) Mới đây, phóng viên ảnh Aly Song của hãng thông tấn Reuters đã có dịp theo chân những người nông dân đi thu hoạch đông trùng hạ thảo trên nóc nhà thế giới: Cao nguyên Thanh Tạng.

Loại dược liệu quý hiếm dùng trong Đông y này, sau đó sẽ đến tay người dùng với mức giá cao ngất ngưởng. Ít ai biết rằng để thu hoạch được chúng ngoài thiên nhiên là một hành trình vất vả, khắc nghiệt qua đôi bàn tay lấm lem nhưng khéo léo của những người  dân bản địa.

Đối với Ma Junxiao, một người dân tộc Hồi ở miền tây hẻo lánh của Trung Quốc, mỗi ngày leo lên sườn núi để tìm kiếm loài nấm nhỏ là việc làm quan trọng liên quan đến mưu sinh của cả gia đình.

Mỗi khi xuân đến, Ma phải thực hiện hành trình dài đến 600km bằng đường bộ từ ngôi làng nghèo khổ của mình ở tỉnh Cam Túc để leo lên đỉnh các cụm núi không tên ở tỉnh láng giềng Thanh Hải.

Tại đây, ông gia nhập vào “đoàn quân” hàng chục người được tuyển chọn từ một công ty địa phương để đi tìm loài nấm Ophiocordyceps sinensis, loài nấm ký sinh được tin có tác dụng dược chất và kích thích tình dục.

Nông dân Ma leo lên sườn núi cao để tìm đông trùng hạ thảo - Ảnh: Reuters

Ophiocordyceps sinensis khi ký sinh trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm ẩn trong đất được dân gian gọi là đông trùng hạ thảo. Vào mùa hè có thể quan sát được loài nấm này mọc chồi từ đầu con ấu trùng vươn lên mặt đất.

Những năm gần đây, các công ty chế biến đông trùng hạ thảo ở tỉnh Thanh Hải đã trả hàng triệu nhân dân tệ để được toàn quyền thu hái loài dược liệu quý này trên toàn bộ cụm núi vào mỗi mùa.

Nhưng những năm qua, các vụ thu hoạch đông trùng hạ thảo giảm dần sản lượng theo mỗi mùa. Mức độ này đáng báo động ở tỉnh Thanh Hải, khu vực lớn nhất để thu hoạch loại dược liệu này ở Trung Quốc. Trong 2 năm qua, thu nhập từ việc thu hoạch đông trùng hạ thảo của ông Ma đã giảm đi một nửa, xuống còn từ 7000 đến 8000 nhân dân tệ (khoảng 1018 đến 1164 USD) mỗi mùa khi loại nấm này ngày càng khan hiếm.

Có một nguyên do: Nhiệt độ ngày càng tăng cao do nóng lên toàn cầu khiến lượng tuyết mỗi mùa ít đi. Các dòng sông băng ngày càng tan chảy khiến vùng núi ấm hơn. Môi trường ngày càng thiếu sự thích hợp cho loại nấm này phát triển. Chúng phát triển trong lòng đất lạnh nhưng không bị đóng băng, vào khoảng 5 độ C.

Đoàn quân tìm đông trùng hạ thảo leo sườn núi - Ảnh: Reuters

Nông dân Ma, 49 tuổi – người đã đi thu hoạch đông trùng hạ thảo suốt 14 năm qua ở tỉnh Thanh Hải cảm thán: “Các dòng sông băng đã biến mất kéo theo đông trùng hạ thảo cũng mất đi”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc năm ngoái đưa tin các dòng sông băng trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng (Thanh Tạng) đã giảm đi 15% trong vòng nửa thế kỷ qua do nhiệt độ cục bộ ở đây tăng cao gấp 3 lần mức tăng trung bình của toàn cầu.

Một số nhà nghiên cứu khí hậu cho rằng việc mất đi lớp băng tuyết vĩnh cửu trên các đỉnh núi cao, cần thiết cho việc phản xạ sức nóng của ánh sáng mặt trời vào lại không gian khiến cho những hòn đá đen bên dưới lớp tuyết trên đỉnh núi nay trơ ra trước ánh nắng. Chúng hấp thụ nhiệt khiến nền băng thêm tan chảy.

Song song đó, nhu cầu tiêu thụ đông trùng hạ thảo, dẫu cho chúng ở mức giá cao, đang tăng lên nhanh chóng trong vòng 1 thập kỷ qua cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Họ tin rằng loại dược liệu này có thể chữa bách bệnh từ chứng suy thận đến bất lực dù thiếu bằng chứng khoa học vững chắc. Xu hướng chuyển sang tiêu thụ các siêu thực phẩm liên quan đến thực vật cũng tạo nên sự quan tâm đến đông trùng hạ thảo trên thị trường toàn cầu.

Những người tìm kiếm lùng sục các ngóc ngách của ngọn núi - Ảnh: Reuters

Với những thảo nguyên phủ lớp cỏ nằm trên các khu vực cao ở Thanh Hải và Tây Tạng thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), thuận lợi cho loài nấm này phát triển, đông trùng hạ thảo trở thành nguồn thu nhập quan trọng nhất cho các cộng đồng địa phương, với những người nghèo khổ lên đến con số hàng trăm tham gia việc thu hoạch theo mùa, nhưng đem lại nguồn thu dồi dào, giàu có cho những nhà thu hoạch và chế biến ở quy mô thương mại (công ty).

Đỉnh giá được thiết lập cho loại dược liệu này được ghi nhận vào năm 2010 khi giá đông trùng hạ thảo trên thị trường chợ đen vượt mức 100.000 USD/kg tạo nên “cơn điên cuồng” săn tìm đối với những người nông dân như ông Ma, lùng sục mọi ngóc ngách của các hẻm núi.

Một số chuyên gia cho rằng cơn sốt săn tìm đông trùng hạ thảo dẫn đến việc thu hoạch quá mức loại dược liệu này ngoài thiên nhiên, cộng hưởng cùng bức tranh khí hậu biến đổi thiếu thân thiện cho sự phát triển của chúng, khiến đông trùng hạ thảo ngày càng khan hiếm bất chấp chính quyền nhiều lần nhắc nhở đến việc sản xuất bền vững.

Năm nay, đông trùng hạ thảo ngày càng khó kiếm. Ông Ma phải leo đến độ cao 4500 mét để tìm loại nấm này trong khi chỉ được trả khoảng 6 nhân dân tệ cho mỗi mảnh nấm thu hoạch được. 

Khu vực núi tìm kiếm - Ảnh: Reuters

“Tôi có hai đứa con trai đang điều hành quán mì ở tỉnh Giang Tô. Hầu hết thu nhập từ việc thu hoạch đông trùng hạ thảo, tôi chuyển cho chúng để duy trì tiệm” – ông Ma nói với Reuters.

Cực khổ và nguy hiểm là thế, nhưng mỗi mảnh đông trùng hạ thảo được bán ra trên thị trường với mức giá ít nhất 20 nhân dân tệ đối với người mua ở thủ phủ tỉnh Thanh Hải – thành phố Tây Ninh, trong khi người nông dân chỉ được trả ở mức giá rẻ bèo lúc thu mua. Khi chúng “cập bến” các cửa hàng ở tỉnh Quảng Đông, mức giá trên có thể leo cao lên gấp nhiều lần.

Dù giờ đây mức giá dễ chịu hơn trước nhưng giá bán lẻ đông trùng hạ thảo vẫn dao động ở mức 72 USD/g, hay 2016 USD/ounce, vượt qua cả giá vàng ở mức 1,340/ounce.

Đông trùng hạ thảo được thu hoạch từ lớp cỏ của mặt đất - Ảnh: Reuters

Bức tranh chênh lệch giàu nghèo hiển hiện rõ giữa những người nông dân như ông Ma và Ma Jingguang– đầu nậu mua bán, chế biến đông trùng hạ thảo. Người này đã đăng những bức ảnh của bản thân trên mạng xã hội khi rời khỏi Thanh Hải trên máy bay riêng, miệng hút xì gà sau khi đến địa phương quay phim quảng cáo cho công ty của ông.

Thậm chí một tài xế địa phương trong đoàn tuỳ tùng của ông Ma ở Thanh Hải cũng sở hữu một chiếc Audi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang