Dân Trung Quốc chật vật mưu sinh ở vùng sa mạc hóa

Thứ Hai, 07/11/2016 08:08

|

(CAO) Biến đổi khí hậu không chừa một ai. Tại miền bắc Trung Quốc nơi giáp với sa mạc Gobi gần biên giới Mông Cổ, những cộng đồng dân cư đang bắt đầu phải rời làng bản đến nơi khác sinh sống vì hiện tượng sa mạc hóa lan nhanh. Ranh giới của những sa mạc đang dần mở rộng đến sát rìa các thành phố lớn như Bắc Kinh.

Khái niệm “di dân vì khí hậu” tưởng chừng chỉ diễn ra trên lý thuyết cách đây vài thập kỉ nay đã trở thành cơn ác mộng, diễn ra rầm rộ trên bình diện toàn cầu. Từ những vùng đất bị sa mạc hóa ở Trung Quốc đến những quốc đảo ở Thái Bình Dương nơi người dân đối mặt với ngập úng, hiện tượng di dân vì biến đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày.

Bốn cây bút Josh Haner, Edward Wong, Derek Watkins và Jeremy White của tờ New York Times đã thâm nhập vào vùng đất phía bắc Trung Quốc để ghi nhận hiện tượng sa mạc hóa rầm rộ này:

Biến đổi khí hậu đang tấn công nhà ở của những người dân sống bên rìa những “biển cát” của Trung Quốc.

Sa mạc Tengger nằm ở rìa phía nam của sa mạc khổng lồ Gobi, cách không xa những thành phố lớn khác như Bắc Kinh. Mỗi năm, sa mạc Tengger ngày càng “nới rộng”.

Bề mặt khu vực rìa sa mạc Tengger - Ảnh: NYT

Mỗi năm, sa mạc này mở rộng thêm 1350 dặm vuông. Nhiều ngôi làng nằm cạnh sa mạc bị xóa sổ. Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người làm tăng tốc quá trình sa mạc hóa. Chính quyền Trung Quốc cho biết họ đang nỗ lực tái định cư lại những hộ dân bị ảnh hưởng , trồng cây, tìm cách hạn chế hoặc đảo ngược lại quá trình sa mạc hóa này ở một số khu vực. Tuy nhiên tất cả những nỗ lực đó, được đề ra bởi những nhà khoa học đều thất bại. Sa mạc ngày càng mở rộng với tốc độ dữ dội hơn.

Khoảng 20% diện tích của Trung Quốc là hoang mạc và tình trạng hạn hán trên diện rộng khắp miền bắc nước này ngày càng nghiêm trọng hơn. Diện tích hoang mạc tăng thêm 21000 dặm vuông so với năm 1975 - bằng diện tích của Croatia. Khi sa mạc Tengger mở rộng “sáp nhập” luôn 2 sa mạc nhỏ hơn cạnh bên sẽ tạo ra một “biển cát” không người dân nào có thể cư trú được.

Khu vực sa mạc Gobi và Tengger  (màu vàng) - Ảnh: đồ họa của NYT

Trên khắp miền bắc Trung Quốc, nhiều thế hệ các gia đình đã sống quần cư thành những cộng đồng bên cạnh đàn gia súc của họ ở bên rìa sa mạc. Giới chức địa phương cho biết biến đổi khí hậu và việc chăn thả quá mức (gia súc ăn hết lớp cỏ trên bề mặt) đã góp phần vào việc sa mạc hóa. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng thực tế việc chăn thả gia súc ở mức độ vừa phải góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên những đồng cỏ. Trung Quốc đang tái định hình lại chính sách ngăn hoang mạc hóa có thể sẽ xác định lại điều này.

Trong một khu vực gọi là Alxa League, chính phủ đang tái định cư cho khoảng 30.000 người dân, những người được gọi là “Di dân sinh thái”, phải rời nơi ở cũ vì hiện tượng sa mạc hóa.

Đơn cử là gia đình của cậu bé 4 tưởi Liu Jiali thuộc diện “di dân sinh thái”, được chính quyền cấp cho một ngôi nhà ở một ngôi làng cách khu vực Hồ Thiên nga – một ốc đảo nơi họ đang điều hành một công viên du lịch chừng 6 dặm. Buộc họ đi đến chỗ ở mới, gia đình này đã bán đi đàn gia súc gồm 70 con cừu, 30 con bò và 8 con lạc đà, chính quyền đã hỗ trợ cho họ số tiền trợ cấp hằng năm khoảng 1500 USD cho mỗi nhân khẩu gồm cha, mẹ của Liu và 1200 USD cho bà ngoại của Liu, người đang ở cùng họ.

Mẹ của Liu Jiali – bà Du Jingping – 45 tuổi cho biết gia đình bà sẽ ở ngôi làng mới vào mùa đông nhưng sẽ trở lại ốc đảo Hồ Thiên Nga vào mùa hè.

Chính quyền địa phương ở các vùng sa mạc đã bắt đầu chương trình tái định cư cho người dân khỏi sự xâm lấn của cát từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng dân số đông đảo ở những khu vực này lại đang sinh sống lấn dần vào sa mạc còn các sa mạc thì đang “tiến” dần về các thành phố.

Những cơn gió mang bão cát ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn đến các thành phố lớn như Bắc Kinh. “Chúng tôi kinh sợ những trận bão cát” – bà Du nói với phóng viên New York Times.

Cậu bé Liu Jiali sống ở sa mạc Tengger - Ảnh: NYT

Cư dân sống ở rìa các sa mạc đang cố gắng ngăn chặn và hạn chế sự phát triển của “quân đoàn cát”. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, họ đang ra sức trồng cây trong nỗ lực ngăn gió thổi đến và ổn định cho bề mặt đất (không bị gió thổi bay lớp đất mặt).

Guo Kaiming, 40 tuổi – một nông dân cũng đang quản lý một công viên du lịch ở rìa sa mạc Tengger đã tham gia trồng những hàng cây gần một cao tốc mới xây băng qua sa mạc vào tháng 6. Guo nhặt những cây non chính phủ còn bỏ lại sau khi họ hoàn thành “chiến dịch” trồng cây nơi đây để trồng tiếp ở những nơi khác. Anh cho biết mình chưa sẵn sàng để gia nhập đội ngũ “những di dân vì biến đổi khí hậu”. Anh vẫn còn những cánh đồng ngô và lúa mì tạo thu nhập thêm bên khoản tiền điều hành công viên du lịch.

Năm ngoái, một công ty điều hành công viên đã trả tiền cho những sinh viên xây 7 công trình điêu khắc lớn bằng cát ở trung tâm công viên như một điểm nhấn, nhưng những trận gió mạnh của sa mạc đã nhanh chóng xói mòn chúng. “Tất cả chúng giờ trông rất nhếch nhác. Những cơn gió rất hung bạo” – Guo ngán ngẩm.

Chính phủ khuyến khích những người nông dân như Guo vì họ cho rằng hoạt động nông nghiệp có thể giúp giữ đất khỏi bị hoang mạc hóa. Chính quyền trợ cấp cho Guo số tiến khoảng 600 USD (12,6 triệu đồng) cho “hoạt động sinh thái bảo vệ đồng cỏ”.

Đàn súc vật chăn thả trên đất sa mạc khô cằn - Ảnh: NYT

Tuy nhiên hoạt động nông nghiệp ở khu vực này ngày càng trở nên khó khăn. Huang Chummei – một người sinh trưởng tại địa phương, hiện đang canh tác tại khu vực gần Hồ Thiên Nga cho biết mực nước ngầm lúc cô còn nhỏ chỉ đào khoảng 2m là chạm tới mạch nước. Nay phải khoan xuống từ 4 đến 5m mới có cơ may tìm thấy nước. “Đất gieo trồng không còn tơi xốp và tốt như trước kia. Giờ đây chúng tôi phải dùng nhiều phân bón hơn” – Huang cho biết.

Cô Huang và chồng đã phải bàn nhau gửi con gái của họ, 14 tuổi đi học ở một ngôi trường tại thành phố kế cạnh. “Tôi không muốn con gái mình quay trở lại đây. Gió và cát sẽ khiến cuộc sống của nó khắc khổ”.

Khoảng 17% dân số ở khu vực Alxa League là người Mông Cổ, đã sống và sinh trưởng từ nhỏ gắn với hoạt động chăn thả gia súc, điều mà chính phủ đang cố gắng hạn chế (sợ gia súc ăn cỏ góp phần vào sa mạc hóa).

Mengkebuyin 42 tuổi và vợ anh Mandula 41 tuổi cho biết họ trồng ngô và hoa hướng dương nhưng 200 con cừu họ đang chăn thả mới là nguồn cung cấp thu nhập chính. Họ cung cấp thịt cừu cho một khách sạn ở thành phố cạnh bên.

Ông Guo trên sa mạc - Ảnh: NYT

Đàn gia súc ăn cỏ trên sa mạc nơi cỏ mọc ngày càng ít. Họ thả đàn gia súc gần nơi ở cũ của mình, gần bờ một hồ nước nay đã cạn khô nhiều năm trước. Mengkebuyin muốn đưa đàn gia súc đến một đồng cỏ tốt hơn nhưng chính quyền không cho phép. Họ vẫn trông coi ngôi nhà cũ nhưng không ở đó trong hầu hết thời gian của năm. Họ đã chuyển đến một ngôi làng cách đó 5 dặm. Mengkebuyin và vợ quyết định sẽ cho con gái 16 tuổi của mình sinh sống và làm việc ở một thành phố.

4 thế hệ trong gia đình của Mengkebuyin sống gần bờ hồ trong một cộng đồng thịnh vượng, nhưng dần dần mọi người đều rời đi hết.

Sa mạc nay đã lấy đi của họ tất cả.

Cô Huang gieo trồng trên đất sa mạc - Ảnh: NYT
Cả hai vợ chồng cô Huang muốn con gái sống ở thành phố thay vì sa mạc vì sợ con mình cực khổ - Ảnh: NYT

Bình luận (0)

Lên đầu trang