(CAO) Theo nghiên cứu mới, có dữ liệu từ một sứ mệnh của Cơ quan hàng không, vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiết lộ bằng chứng về một hồ chứa nước ngầm nằm sâu bên dưới bề mặt Sao Hỏa.
Một nhóm các nhà khoa học ước tính rằng hồ nước này được hình thành từ các vết nứt nhỏ và lỗ rỗng của đá ở giữa lớp vỏ Sao Hỏa chứa lượng nước đủ để lấp đầy các đại dương trên bề mặt hành tinh. Nghiên cứu cho thấy lượng nước ngầm từ hồ này có thể đủ để nhấn chìm toàn bộ bề mặt Sao Hỏa dưới lớp nước có độ sâu 1,6 km.
Dữ liệu của nghiên cứu mới này được lấy từ tàu đổ bộ InSight của NASA. Con tàu này sử dụng máy đo địa chấn để nghiên cứu bên trong Sao Hỏa từ năm 2018 đến năm 2022.
Theo nghiên cứu được công bố hôm 12/8 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy lượng nước khổng lồ này nằm ở độ sâu từ 11,5 đến 20 km bên dưới bề mặt của Hành tinh đỏ.
Phát hiện này đã tiết lộ những chi tiết mới về lịch sử địa chất của Sao Hỏa và gợi ý một địa điểm mới để tìm kiếm sự sống trên hành tinh Đỏ nếu con người có thể tiếp cận được nguồn nước này.
Vashan Wright - trợ lý giáo sư và là nhà địa vật lý tại Đại học California nhận định: “Hiểu được chu trình nước của sao Hỏa là việc rất quan trọng để hiểu được sự tiến hóa của khí hậu, bề mặt và bên trong hành tinh này. Điểm khởi đầu hữu ích là xác định nước ở đâu và có bao nhiêu”.
Nghiên cứu mới cho thấy nước ở tầng sâu từ 11,5 đến 20km bên dưới bề mặt Sao Hoả - Ảnh: CNN
Sao Hỏa có thể từng là một nơi ấm hơn, ẩm ướt hơn vào hàng tỷ năm trước, dựa trên bằng chứng về các hồ cổ, kênh sông, đồng bằng và đá bị biến đổi do nước được nghiên cứu bởi các sứ mệnh khác của NASA. Nhưng hành tinh đỏ đã mất bầu khí quyển vào hơn 3 tỷ năm trước, điều này đã kết thúc thời kỳ ẩm ướt trên Sao Hỏa.
Các nhà khoa học vẫn không chắc tại sao Sao Hỏa lại mất đi bầu khí quyển của nó và vô số sứ mệnh khám phá không gian đã được NASA phát triển để tìm hiểu về lịch sử của nước trên hành tinh này. Họ nghiên cứu về vấn đề liệu nước có bao giờ tạo ra điều kiện có thể sống được cho sự sống trên Sao Hỏa hay không. Mặc dù nước vẫn bị giữ lại dưới dạng băng ở các chỏm băng ở vùng cực của hành tinh, nhưng các nhà nghiên cứu không tin rằng điều đó có thể giải thích cho toàn bộ lượng nước “mất đi” trên Sao Hoả.
Phát hiện nước ở tầng sâu của bề mặt Sao Hoả là một phát hiện mang tính cách mạng
Các lý thuyết hiện tại đưa ra một số kịch bản có thể xảy ra với nước trên Sao Hỏa sau khi nó mất bầu khí quyển: Một số giả thuyết cho rằng nước trên Hành tinh đỏ đã trở thành băng hoặc thất thoát vào không gian, trong khi những giả thuyết khác cho rằng nó được tích hợp vào các khoáng chất bên dưới bề mặt hành tinh hoặc chảy vào các tầng sâu chứa nước bên dưới bề mặt.
Những phát hiện mới cho thấy nước trên Sao Hỏa đã thấm sâu xuống lớp vỏ của chính nó.