Phát hiện có dấu hiệu sự sống trên khí quyển Sao Kim

Thứ Ba, 15/09/2020 15:05  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 15-9, CNN đưa tin các nhà khoa học đã phát hiện trên các đám mây có môi trường a-xít khắc nghiệt của Sao Kim tồn tại một loại khí có tên phosphine.

Việc xuất hiện của loại khí này là chỉ dấu cho thấy có thể có vi khuẩn tồn tại.

Các nhà nghiên cứu đến nay vẫn chưa phát hiện các dạng sống thực tế trên hành tinh này. Tuy nhiên họ lưu ý rằng khí phosphine xuất hiện trên Trái Đất là loại khí được tạo ra bởi vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường thiếu ô xy (yếm khí). Vì thế họ suy đoán rằng trên các đám mây của Sao Kim có khí này thì có thể có sự sống.

Các nhà khoa học đã phát hiện được khí phosphine trên Sao Kim qua quá trình quan sát bằng các kính viễn vọng James Clerk Maxwell ở bang Hawaii và kính viễn vọng vô tuyến Atacama Large Millimete rở Chile.

CNN dẫn lời nhà thiên văn học Jane Greaves đến từ Đại học Cardiff ở xứ Wales nhận định: “Tôi rất ngạc nhiên, thực sự choáng váng. Sự tồn tại của sự sống ngoài Trái đất từ ​​lâu đã là một trong những câu hỏi tối quan trọng của khoa học. Các nhà khoa học đã sử dụng các tàu thăm dò và kính thiên văn để tìm kiếm "các hình dạng sinh học" - dấu hiệu gián tiếp của sự sống - trên các hành tinh và các mặt trăng của các hành tinh khác trong hệ Mặt trời của chúng ta và hơn thế nữa". 

Bề mặt Sao Kim - Ảnh: NASA

“Với những gì chúng ta hiện biết về Sao Kim, lời giải thích hợp lý nhất cho sự xuất hiện của khí phosphine, kỳ diệu thay, chính là sự sống” - Clara Sousa-Silva- nhà vật lý thiên văn phân tử đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Sao Kim đến nay không phải là trọng tâm của cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất trong hệ Mặt trời. Thực tế các hành tinh khác như Sao Hoả được chú ý nhiều hơn.

Khí Phosphine có cấu tạo gồm một nguyên tử phốt pho gắn với ba nguyên tử hydro. Đây là loại khí rất độc đối với con người.

Phosphine được tìm thấy ở mức 20 phần tỷ trong khí quyển Sao Kim, một nồng độ ở mức “dấu vết”.

Nhà thiên văn Greaves cho biết các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các nguồn phi sinh học tiềm năng như núi lửa, thiên thạch, sét và nhiều loại phản ứng hóa học khác nhau, nhưng không có phản ứng nào có thể thực hiện được để tạo ra loại khí này. Nghiên cứu tiếp tục xác nhận sự hiện diện của sự sống hoặc tìm ra lời giải thích thay thế.

Sao Kim là hành tinh láng giềng gần nhất của Trái đất. Tương tự về cấu trúc nhưng nhỏ hơn một chút so với Trái đất, nó là hành tinh thứ hai tính từ Mặt trời. Trái đất đứng thứ ba.

Sao Kim được bao bọc trong một bầu khí quyển dày và độc hại, có tính chất giữ nhiệt. Nhiệt độ bề mặt đạt tới 471 độ C, đủ nóng để nấu chảy chì.

Bình luận (0)

Lên đầu trang