(CAO) Không chỉ đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang hứng chịu tình trạng khô cằn của đợt hạn mặn lần đầu tiên trong một thế kỷ nay, một số nước khác trong khu vực cũng đang trải qua tình cảnh tương tự.
Thái Lan tuần này thông báo sẽ phải thận trọng hơn trong việc quản lý nước trong vài tháng tới để ngăn hạn hán gây thiệt hại lớn. Một số con đập quan trọng ở nước này đã ngừng xả nước tưới cho đồng ruộng. Do nguồn cung cấp cạn kiệt, nước giờ sẽ được chia khẩu phần cho con người sử dụng trong sinh hoạt và bảo tồn cân bằng sinh thái.
Hơn 700 làng mạc ở tỉnh Sisaket ở phía đông nam đang vật lộn với tình trạng thiếu nước. The Strait Times dẫn lời tiến sĩ Kitti Paopiamsap- chủ tịch tỉnh Chachoengsao, tỉnh miền đông này cho biết địa phương đang gặp cuộc khủng hoảng nước trầm trọng nhất 20 năm. Đội xe tải chở nước đang được trưng dụng để chở 12.000 lít nước đến các vùng hạn nặng.
Nhà chức trách cũng đang kêu gọi người dân hoạt động ở tất cả các lĩnh vực phải tiết kiệm nước để nguồn cung nước hạn chế có thể duy trì cho tới cuối tháng 7. Mùa mưa thường đến vào tháng 5, nhưng năm nay được dự báo sẽ đến muộn hơn.
Chính quyền tỉnh Nakhon Phanom bơm nước từ sông Mê Kông đổ vào phụ lưu Bang Huak - Ảnh: Bangkok Post
Bangkok Post hôm 24-3 đưa tin chính quyền ở Nakhon Phanom, tỉnh biên giới phía đông bắc Thái Lan đã bắt đầu cho hút nước từ sông Mê Kông để trữ trong các nhánh sông phụ nhằm làm giảm hạn. Việc hút nước sông Mê Kông cũng sẽ được thực hiện ở nhiều địa phương khác của Thái Lan dọc con sông này.
Trong khi đó, vụ mùa của khoảng 5.000 nông dân ở Kepala Batas, Penang, Malaysia, có nguy cơ trắng tay vì hiện tượng El Nino khiến khoảng 8.500 hécta ruộng lúa bị khô nẻ và nước trên sông Sungai Muda, được dùng để tưới tiêu, đã bốc hơi cạn.Nhà chức trách Malaysia hiện đang cân nhắc tới khả năng tạo mây trên những lưu vực Kedah. Đông Nam Á năm nay gặp hạn hán nặng.