Tìm hiểu những Lễ hội đặc biệt trên thế giới

Thứ Bảy, 28/01/2017 06:35  | Đức Thiện

|

(CAO) Với người Việt Nam, ngày lễ quan trọng nhất trong năm chính là lễ Tết Nguyên đán. Với những quốc gia khác cũng vậy, họ có những lễ hội riêng để tổ chức mỗi năm.

Tết được tổ chức bởi hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả ngày Tết của các nước cũng không giống nhau hoàn toàn. Mời bạn đọc cùng xem qua những ngày lễ tiêu biểu của một số quốc gia hoặc khu vực dưới đây.

Tết Oshogatsu – Nhật Bản

Nhật Bản vẫn tổ chức ngày lễ Tết, có tên gọi là Oshogatsu. Điều đặc biệt về ngày Tết của người Nhật đó là việc họ tổ chức sự kiện này theo Dương lịch như các phương Tây chứ không phải theo Âm lịch của các nước châu Á. Điều này được thay đổi từ hơn 100 năm trước, vào năm Minh Trị thứ 6 (1873). Đến nay, nguyên nhân cho sự thay đổi này vẫn chưa được biết chính xác.

Dù không còn ăn Tết theo Âm lịch như trước, song người Nhật vẫn giữ lại những truyền thống cũ trong ngày Tết Oshogatsu. Họ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa từ trước Tết. Vào ngày mùng 1, cũng là ngày 1-1 Dương lịch, họ vẫn đi lễ chùa, chúc tết lẫn nhau. Trẻ con Nhật Bản cũng được nhận lì xì trong dịp này. Nhìn chung, có thể nói ngày Tết Oshogatsu của Nhật là sự kết hợp giữa cả Đông và Tây.

Lễ hội ánh sáng Diwali - Ấn Độ

Vào khoảng thời gian mùa thu, người dân Ấn Độ sẽ tổ chức một lễ hội tràn ngập ánh sáng, gọi là Diwali – Lễ hội ánh sáng. Diwali hay còn gọi là Deepawali được tổ chức theo lịch mặt trăng của Hindu giáo, thường rơi vào khoảng giữa tháng 10 đến giữa tháng 11.

Người Ấn Độ tổ chức lễ Diwali trong vòng 5 ngày. Trong suốt dịp lễ, họ sẽ thắp sáng ngôi nhà của mình bằng đèn dầu. Theo quan niệm, việc thắp sáng nhà cửa là biểu tượng cho chiến thắng của sự thông thái trước sự ngu dốt, cũng như chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối. Ngoài việc thắp đèn, người Ấn Độ còn tiến hành nhiều nghi thức tôn giáo khác như tắm bằng dầu hay thờ cúng các vị thần linh. Diwali chính là lễ hội rực rỡ nhất diễn ra ở Ấn Độ.

Lễ thánh Patrick - người Ireland tại Mỹ

Thánh Patrick được công nhận là vị thánh bổn mạng ở Ireland (gồm CH Ireland và Bắc Ireland ngày nay). Vì vậy họ chọn ngày 17-3 hàng năm – ngày mất của thánh Patrick – làm một ngày lễ truyền thống. Dù là ngày lễ của những người Ireland nhưng có lẽ nó sẽ không thể trở nên nổi tiếng nếu không diễn ra ở… Mỹ.

Nét đặc trưng của lễ thánh Patrick chính là những cuộc diễu hành. Và truyền thống này lại khởi đầu ở trên đất Mỹ. Năm 1762, những người lính Ireland phục vụ trong quân đội Anh tiến hành một cuộc diễu hành nhỏ tại New York. Từ đó, mỗi năm các cuộc diễu hành trở thành một truyền thống và ngày càng hoành tráng hơn không chỉ ở Mỹ mà còn tại quê nhà của những người Ireland. Hiện nay, có hơn 100 cuộc diễu hành được tổ chức tại Mỹ vào ngày thánh Patrick.

Eid al-Fitr và Eid al-Adha – Các quốc gia Hồi giáo

Đây là hai ngày lễ cực kỳ quan trọng của người Hồi giáo và được chọn làm ngày lễ chính thức ở một số quốc gia Hồi giáo. Eid al-Fitr là lễ hội đánh dấu sự chấm dứt của tháng chay Ramadan. Những người theo đạo Hồi sẽ ăn mừng ngày lễ này trong 3 ngày. Họ bắt đầu buổi lễ bằng nghi thức cầu nguyện. Sau đó, họ sẽ đi thăm họ hàng và viếng nghĩa trang. Đây cũng là dịp để họ làm từ thiện.

Eid al-Adha là một dịp lễ khác. Đây là ngày mà những người Hồi giáo tưởng nhớ sự kiện ông Ibrahim chấp nhận hiến tế người con trai một của mình theo lời yêu cầu của thánh Allah. Sau đó, thánh Allah vì hiểu được tấm lòng chân thành đã không yêu cầu ông Ibrahim hy sinh con mình, thay vào đó ra lệnh ông hiến tế một con chiên gần đó.

Để kỷ niệm sự kiện này, người Hồi giáo ngày nay chọn cách giết cừu, lạc đà hoặc dê như một nghi thức truyền thống. Ở một số quốc gia, người dân được giết mổ ngay tại nhà. Tuy nhiên, một số nơi yêu cầu phải đến những địa điểm được sắp sẵn cho việc giết mổ tập thể để tránh việc máu me tràn lan khắp cả thành phố.

Bình luận (0)

Lên đầu trang