Trung Quốc phát triển tên lửa có thể mang theo 20 vệ tinh cùng lúc

Thứ Hai, 15/03/2021 12:33  | Anh Duy

|

​(CAO) Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Trung Quốc sẽ phóng một tên lửa mới sử dụng nhiên liệu rắn phục vụ cho mục đích thương mại vào năm tới. Tên lửa này có thể phóng 20 vệ tinh cùng một lúc.

Tên lửa Jielong-3 được cho sẽ hoạt động với chi phí cạnh tranh với chi phí 10.000 USD cho mỗi kg vận chuyển, Jiang Jie, một nhà khoa học tên lửa nói với Tân Hoa xã.

So với mẫu tiền nhiệm của nó, Jielong-1, có chuyến bay đầu tiên vào năm 2019 có giá 30.000USD cho mỗi kg thì chi phí này thấp hơn nhiều.

Nhà phát triển cho biết nó sẽ có thể mang tới 1,5 tấn hoặc 20 vệ tinh vào quỹ đạo hoặc mang các vật thể đến độ cao khoảng 500km.

Jiang được dẫn lời cho biết: “Loại tên lửa này nhắm vào nhu cầu thị trường ngày càng tăng đối với các vụ phóng quy mô lớn để tạo thành các chòm sao vệ tinh thương mại. Jielong-3 sẽ có tính cạnh tranh mạnh mẽ - kinh tế, hiệu suất cao, đáng tin cậy, dễ thích ứng và chu kỳ chuẩn bị ngắn”.

Mẫu tên lửa Jielong-3 (ngoài cùng bên trái) - Ảnh: SCMP

Jiang cho biết: “Jielong-3 sẽ làm đa dạng thêm nhiều loại tên lửa thương mại của Trung Quốc và hỗ trợ sự phát triển của chương trình không gian thương mại của chúng tôi”.

Trung Quốc đã đẩy mạnh chương trình không gian của mình trong những năm gần đây, bao gồm xây dựng một trạm vũ trụ và thực hiện sứ mệnh đầu tiên đến sao Hỏa nhằm mục đích hạ cánh một tàu thăm dò lên hành tinh đỏ vào tháng 5 và kế hoạch đưa các phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030.

Năm ngoái, Trung Quốc đã phóng vệ tinh cuối cùng của mạng định vị toàn cầu Bắc Đẩu vào quỹ đạo.

Để thực hiện tham vọng không gian của mình, Trung Quốc cũng đẩy nhanh việc nâng cấp và phát triển các phương tiện phóng mới như các thế hệ của tên lửa Trường Chinh.

Chúng bao gồm các loại từ tên lửa có sức nâng nhỏ đến các phương tiện nâng hạng nặng được sử dụng cho các chương trình mặt trăng và trạm vũ trụ và một tên lửa nâng siêu nặng dự kiến sẽ sẵn sàng vào khoảng năm 2028 và sẽ được sử dụng cho sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của Trung Quốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang