(CAO) Theo RT ngày 5-11 đưa tin, theo một cuộc thăm dò từ trung tâm Levada, ở Moscow, Nga cho thấy khoảng 59% người được hỏi không muốn được tiêm vắc xin chống dịch nCoV.
Trước đó, các nhà khoa học Nga đã gây chú ý trên toàn thế giới khi công bố vắc xin nCoV là Sputnik V vào tháng 8. Nhưng khi nó sắp ra mắt, sự hoài nghi về hiệu quả của vắc xin này ngày càng tăng. Trong khi, một số chuyên gia, bao gồm cả bác sĩ tại Nga đã được cung cấp vắc xin này.
Việc sản xuất hiện cũng được mở rộng để hỗ trợ chương trình tiêm chủng hàng loạt. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, chính phủ đặt mục tiêu bắt đầu triển khai tiêm chủng hàng loạt cho người dân trên toàn quốc vào cuối năm 2020.
Gần 60% người Nga không đồng ý tiêm chủng hàng loạt - Ảnh: Getty Images
Tâm lý chống lại vắc xin đang gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn chỉ một nửa số người Mỹ nói rằng họ có kế hoạch tiêm chủng, trong khi một cuộc thăm dò ý kiến của công chúng Anh cho thấy chỉ có khoảng bốn trong số mười người nói rằng họ chắc chắn sẽ tiêm vắc xin nếu nó được cấp chứng nhận an toàn.
Đầu năm nay, một nghiên cứu trên tạp chí khoa học uy tín cảnh báo rằng mặc dù phong trào chống vắc xin chưa cao nhưng sức ảnh hưởng và phạm vi tiếp cận của nó trên các phương tiện truyền thông xã hội là rất đáng kể, và có thể “làm suy yếu nỗ lực chấm dứt đại dịch nCoV”.
Một số quốc gia trên thế giới đang tiến hành tiếp cận vắc xin của Nga là Argentina với xác nhận đơn đặt hàng 10 triệu liều vắc xin Sputnik V, trong khi Hungary đang đàm phán với Moscow cho một hợp đồng tương tự.