Đâu là 'chìa khóa' cho vấn đề khủng hoảng tị nạn?

Thứ Năm, 21/12/2017 10:52

|

(CAO) Số lượng người nhập cư tăng lên mỗi năm đang khiến các nước phát triển phương Tây phải đau đầu. Giữa lúc mà các giải pháp để chấm dứt tình trạng này vẫn đang được xem xét, thì rất nhiều người trẻ và trẻ em nhập cư không được tiếp cận với việc được giáo dục căn bản và nền tảng.

Giải quyết vấn đề về sự thiếu hụt giáo dục cho người tị nạn, có thể là giải pháp then chốt cho cuộc khủng hoảng tị nạn ở quy mô lớn hơn. Đó là quan điểm của chính Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi. Dưới đây là bài viết mới nhất của vị Cao ủy trên trang web nổi tiếng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) phân tích về vấn đề này:

Tình trạng gia tăng của cuộc khủng hoảng tị nạn toàn cầu không chỉ là vấn đề về con số, mà còn là vấn đề thời gian.

Hiện tại đang có 17,2 triệu người tị nạn được UNHCR bảo hộ, nhưng một nửa trong số đó chưa đủ 18 tuổi.

Đến cuối năm 2016, khoảng 11,6 triệu người tị nạn nằm trong diện “lánh nạn kéo dài”. Nghĩa là họ ở trong tình trạng tương tự như ít nhất 25.000 người khác vốn buộc phải đi lánh nạn trong hơn 5 năm.

Với 4,1 triệu người tị nạn, tình trạng li hương đã diễn ra đến 20 năm hoặc nhiều hơn. Hai thập kỷ là nhiều hơn quãng thời gian tiêu chuẩn của việc học hành.

Với hàng triệu người trẻ, đó là quãng thời gian mà đáng lẽ họ được đến lớp không phải chỉ học để đọc, viết và đếm, mà còn để tiếp nhận, đánh giá, tranh luận và tính toán. Học để tự chăm lo cho bản thân và người khác, để tự đứng trên đôi chân của mình.

Hàng triệu người như vậy vẫn đang bị tước đi quãng thời gian đó.

Vai trò của giáo dục là rõ ràng, như báo cáo mới đây có tên “Bị bỏ rơi: Giáo dục người tị nạn trong cơn khủng hoảng” đã chỉ rõ. Giáo dục mang đến cho trẻ em tị nạn sự an toàn giữa cơn hỗn mang của việc lánh nạn. Đó là sự đầu tư cho tương lai, tạo ra và nuôi dưỡng những nhà khoa học, triết gia, kỹ sư, nhà thơ, giáo viên và cả công chức sau này – những người có vai trò quan trọng đối với sự phát triển hòa bình và ổn định đối với nơi đã chào đón họ, và đối với sự thịnh vượng của chính quốc gia mà họ đã rời đi.

Chênh lệch về cơ hội đến trường

So với trẻ em và thiếu niên trên toàn cầu, khoảng cách về cơ hội dành cho 6,4 triệu trẻ tị nạn trong độ tuổi đến trường do UNHCR bảo hộ vẫn đang ngày một lớn hơn.

91% trẻ em trên thế giới được giáo dục tiểu học. Trong khi đó, tỉ lệ này ở người tị nạn chỉ dưới mức 61%. Còn ở những nước có thu nhập thấp thỉ dưới 50%.

Khi những đứa trẻ tị nạn lớn hơn, sự trở ngại lại càng tăng lên. Chỉ 23% trẻ tị nạn ở độ tuổi thiếu niên được đến các trường trung học, trong khi con số này là 84% trên toàn cầu. Ở những nước thu nhập thấp, nơi cư ngụ của 28% người tị nạn của thế giới, số người tị nạn được tiếp cận giáo dục trung học thấp một cách đáng kinh ngạc, chỉ có 9%.

Viễn cảnh với giáo dục đại học – nơi tôi luyện ra những nhà lãnh đạo thế giới tương lai, mới thật sự ảm đạm. Trên toàn cầu, có 36% người nhận được giáo dục đại học. Còn với người tị nạn, bất chấp cải thiện về số người đi học nhờ sự đầu tư vào học bổng và các chương trình khác, tỉ lệ vẫn giậm chân ở 1%.

Một năm trước, các chính trị gia, nhà ngoại giao, quan chức cũng như các nhà hoạt động trên khắp thế giới đã tập hợp để xây dựng giải pháp cho tình trạng khó khăn của người tị nạn.

Kết quả chính là bản Tuyên bố New York về Người tị nạn và Nhập cư được ký kết bởi 193 quốc gia nhấn mạnh giáo dục là nhân tố quan trọng trong ứng phó quốc tế. Hơn thế nữa, tham vọng Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 (Sustainable Development Goal 4 – SDG4) – 1 trong 17 Mục tiêu Toàn cầu nhắm đến việc chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và thúc đẩy thịnh vượng – là truyền tải “nền giáo dục bao hàm và chất lượng cho tất cả mọi người và thúc đẩy việc học hành suốt đời”.

Thiếu hụt sự nỗ lực

Bất chấp sự ủng hộ vượt trội dành cho Tuyên bố New York và SDG4, người tị nạn vẫn ở trong mối nguy bị bỏ lại trong việc tiếp cận giáo dục. Giờ là thời điểm mà cộng động quốc tế phải hợp nhất hành động với lời nói.

Giáo dục phải được xem là một phần tất yếu trong sự phản ứng tức thời với khủng hoảng tị nạn. Nó sẽ mang đến môi trường an toàn và ổn định cho những người trẻ giữa lúc mọi thứ xung quanh họ chìm trong hỗn loạn.

Nó sẽ truyền đạt những kỹ năng sinh tồn, thúc đẩy sự kiên cường và tự lực, và còn giúp hiểu được nhu cầu tâm lý và xã hội của những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột.

Giáo dục không phải là sự xa hoa, nó là nhu cầu cơ bản.

Cùng với đó, giáo dục là một dịch vụ xã hội đòi hỏi phải có kế hoạch và sự đầu tư lâu dài. Việc đến trường của trẻ em không được phép vì một cuộc khủng hoảng nổ ra khiến nó trì hoãn và thay vào đó là những phản ứng đối phó tức thì. Thay vào đó, chúng ta muốn thấy được sự hỗ trợ cho hệ thống giáo dục ở các quốc gia cho phép tị nạn thông qua sự đầu tư bền vững, có tính toán và sự tiếp cận một cách tổng thể.

Giải quyết khó khăn

Để giải quyết khó khăn cho việc ứng phó kịp thời và lâu dài, chúng ta cần đảm bảo trẻ em và thiếu niên tị nạn được bao hàm trong hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia.

Người tị nạn, cũng như tất cả những người trẻ trên khắp thế giới, xứng đáng được nhận một nền giáo dục có giá trị, được theo học những chương trình được công nhận và được tham gia các bài kiểm tra lên lớp.

Cuối cùng, chúng ta không được phép bỏ quên những người đã cống hiến cho giáo dục. Những người làm việc ngày này qua ngày khác ở những ngôi trường khắc nghiệt nhất thế giới, thường xuyên trong tình trạng quá tải, thiếu thốn nguồn lực.

Giáo viên của những trẻ tị nạn xứng đáng nhận sự hỗ trợ hết lòng: thu nhập phù hợp, chất liệu giảng dạy đạt chuẩn với số lượng đủ cũng như hỗ trợ chuyên môn.

Giáo dục cho người tị nạn là trách nhiệm chung. Cam kết đầu tư và hỗ trợ của chúng ta vào vấn đề này sẽ giúp gặt hái rất nhiều thành quả.

Năm ngoái, không dưới 193 quốc gia,vùng lãnh thổ đưa ra lời hứa hẹn đối với những người tị nạn trên thế giới. Giờ đây là lúc thực hiện lời hứa đó.

Bình luận (0)

Lên đầu trang