Hợp tác toàn cầu để vực dậy kinh tế và an ninh thế giới

Chủ Nhật, 07/02/2021 21:25

|

(CATP) Tình hình thế giới năm 2020 diễn biến phức tạp với nhiều bất ổn khi phải hứng chịu các cơn bão chính trị và an ninh dồn dập trong một thời gian ngắn cùng nhiều dư chấn. Nghiêm trọng nhất là tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đối với tất cả các khía cạnh của đời sống thế giới. Và với mọi quốc gia, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ và các quốc gia châu Âu khoét sâu những chia rẽ trong lòng phương Tây đã khiến bất ổn xã hội lan rộng; những tranh cãi về vai trò của Mỹ trong các thể chế đa phương; mối quan ngại lan rộng về “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc trầm trọng hơn. Bất ổn chính trị nội bộ ở Mỹ từ sau bầu cử tháng 11 có khả năng kéo dài và để lại những hệ lụy khó lường.

Một năm đầy sóng gió

Đại dịch Covid-19 diễn ra với tốc độ lan rộng khủng khiếp, với sức ảnh hưởng chưa từng có về phạm vi và tác động toàn cầu, tác động trực tiếp và gián tiếp đến các nền kinh tế vốn ngày càng gắn kết với nhau. Số người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới đang tiếp tục tăng lên (tính đến hết tháng 11-2020, số ca nhiễm Covid-19 là 59,2 triệu người với 1,4 triệu người tử vong) và đặt các chính phủ vào tình trạng báo động, tạo ra những áp lực xã hội và kinh tế nặng nề. Lao động trẻ có nguy cơ mất việc làm cao gấp đôi so với lao động lớn tuổi và tổn thất về việc làm và thu nhập thường nặng nề hơn đối với phụ nữ, những người tự kinh doanh và những người lớn lên trong gia đình nghèo.

Dù thị trường toàn cầu đã phục hồi nhất định nhưng nền kinh tế có thể tiếp tục biến động mạnh nếu đại dịch lan rộng hơn bởi những đứt gãy diện rộng. Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã mô tả sự suy giảm toàn cầu do Covid-19 là tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930, đồng thời cảnh báo tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển sẽ không trở lại mức đỉnh điểm trước khi Covid-19 bùng phát, ít nhất cho đến năm 2022.

Chủ nghĩa dân túy ở Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng, với sự mất lòng tin của người dân vào các đảng phái và giới tinh hoa chính trị diễn ra trong bối cảnh tranh cãi liên tục về vấn đề nhập cư và bình đẳng xã hội. Chênh lệch thu nhập và khoảng cách lớn hơn giữa thành thị và nông thôn ngày một tồi tệ hơn. Vấn đề di cư tiếp tục là điểm nóng làm “đau đầu” các chính trị gia ở nhiều quốc gia phát triển. Khi phương Tây hứng chịu các thất bại liên tục từ đại dịch, chủ nghĩa dân túy trỗi dậy mạnh mẽ khi trọng tâm của khủng hoảng chuyển sang suy thoái kinh tế và việc làm, với các tác động lan tỏa đến đời sống chính trị.

Đại sứ và Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các nữ quân nhân bệnh viện dã chiến 2-2

Các tổ chức đa phương khác, bao gồm G-20 và G-7, không đủ trang bị để tạo nên những ảnh hưởng đáng kể vì các cường quốc ngày càng quan tâm đến cạnh tranh hơn là hợp tác. Trong bối cảnh đại dịch, Nga, Trung Quốc và Mỹ tìm cách lợi dụng tình hình để đạt được các lợi ích chính trị, kinh tế và chiến lược của riêng họ. Điều này khiến các tổ chức hàng đầu như G-20 và G-7 không thể tạo nên một phản ứng thống nhất đối với các cuộc khủng hoảng quốc tế, và không đưa ra được các giải pháp phục hồi kinh tế có tính bền vững.

Với tham vọng lớn hơn và do sức ép mạnh mẽ của Mỹ từ chiến lược bộ tứ kim cương “Quad”, Trung Quốc đã phát triển một phương cách ngoại giao cứng rắn nhằm thu hút sự ủng hộ của người dân trong nước và thúc đẩy các lợi ích của mình ở nước ngoài. Chính sách “ngoại giao chiến lang” bao gồm việc các quan chức Trung Quốc đưa ra những tuyên bố diều hâu, đôi khi không đúng sự thật nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc và làm suy yếu những chỉ trích bên ngoài.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc liên tục chỉ trích Mỹ can dự vào Biển Đông làm tình hình phức tạp, mạnh mẽ hơn trong vấn đề Hồng Kông và Đài Loan, tuyên bố quân đội Mỹ đã mang Covid-19 đến Vũ Hán, đe dọa về các hành động trả đũa khi phương Tây kêu gọi điều tra về các hành vi thiếu minh bạch của Trung Quốc trong quá trình quản lý dịch bệnh, và tấn công truyền thông phương Tây đưa tin về các hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế.

Nhiều thách thức năm 2021

Những bất ổn trong năm 2020 sẽ tiếp tục thách thức nền chính trị thế giới trong thập kỷ tiếp theo. Đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt thì suy thoái toàn cầu còn kéo dài, vì không quốc gia nào thoát khỏi những tác động liên hoàn của nó bất kể các nỗ lực thắt chặt kiểm soát và phòng ngừa y tế, kích thích nền kinh tế, và đề ra chiến lược quản lý rủi ro. Cùng với việc tăng cường kiểm soát dịch bệnh thì các giới hạn về di chuyển và kết nối kinh tế vẫn là những thách thức chiến lược cho sự phát triển của quốc gia.

Dù dữ liệu thử nghiệm vaccine của Pfizer và Moderna cho thấy vaccine của họ là an toàn và có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa Covid-19, nhưng còn là vấn đề về giá cả, phản ứng phụ kèm theo và việc phân phối hàng loạt trên toàn thế giới. Ngay cả khi có vaccine, thế giới vẫn cần một phản ứng phối hợp chính sách hợp lý của nhiều quốc gia đối với đại dịch trong thời gian tới. Triển vọng chỉ bền vững khi tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận thị trường vaccine, phân phối công bằng và triển khai hiệu quả.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tập trận ở Biển Đông Ảnh: EPA

Trong bối cảnh Covid-19, quan hệ giữa Mỹ - Trung ngày càng lao dốc, với rất ít hy vọng phục hồi. Cùng những thành tựu trong hội nhập kinh tế, gia tăng sức mạnh kinh tế và năng lực quân sự, Trung Quốc đã thực hiện một đường lối cứng rắn hơn trên trường quốc tế. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những bất ổn chực chờ bùng phát thành xung đột quanh các điểm nóng là eo biển Đài Loan, Hồng Kông, Biển Đông và gần đây là những tranh chấp, xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc - Ấn Độ khiến những nhà quan sát dày dạn nhất cũng buộc phải tự hỏi liệu chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ trở nên hiếu chiến hơn cũng như “đi xa” đến mức nào.

Covid-19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi những triển vọng còn chưa thật sự rõ rệt thì đại dịch sẽ khiến phần lớn các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển co lại. Đại dịch cũng sẽ gây thiệt hại lâu dài đến năng suất lao động và sản lượng tiềm năng. Ưu tiên chính sách trước mắt cho các quốc gia là giảm chi phí nhân lực và giảm bớt thiệt hại kinh tế ngắn hạn. Một khi cuộc khủng hoảng dịu đi, cần tái khẳng định cam kết đáng tin cậy đối với các chính sách bền vững và thực hiện các cải cách cần thiết để củng cố triển vọng dài hạn. Hợp tác toàn cầu giữa các quốc gia qua các thể chế đa phương sẽ rất quan trọng để vực dậy nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy an ninh quốc tế trong dài hạn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang