(CAO) Hôm 5-2, AFP đưa tin một phụ tá chủ chốt của nhà lãnh đạo bị lật đổ của Myanmar – bà Aung San Suu Kyi đã bị bắt, vài ngày sau cuộc đảo chính gây phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Vụ bắt giữ xảy ra sau vụ bắt giữ bà Suu Kyi và tổng thống Myanmar Win Myint, những người đã bị bắt giữ hôm 1-2 khi quân đội đảo chính, trao quyền kiểm soát đất nước cho thống tướng Min Aung Hlaing.
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi cho biết thông qua một trang Facebook đã được xác minh rằng thành viên chủ lực của đảng là ông Win Htein đã rời thủ đô Naypyidaw vào chiều 4-2 để đi đến Yangon.
"Ông đã bị bắt từ nhà con gái nơi ông đang ở vào lúc nửa đêm (ở Yangon)", nhân viên báo chí của đảng - Kyi Toe cho biết, đồng thời cho biết thêm ông đang bị giữ tại đồn cảnh sát Naypyidaw.
Người đàn ông 79 tuổi này là một tù nhân chính trị lâu năm, người đã trải qua thời gian dài bị giam giữ vì chiến dịch chống lại sự điều hành của quân đội. Được coi là cánh tay phải của bà Suu Kyi, ông từ lâu đã được truyền thông quốc tế và trong nước săn đón để hiểu rõ những gì nhà lãnh đạo Myanmar trên thực tế đang nghĩ.
Trước khi bị bắt, ông đã nói với các phương tiện truyền thông địa phương bằng tiếng Anh rằng hành động quân sự của quân đội lúc này là "không khôn ngoan" và "đã đưa đất nước đi sai hướng".
Ông Win Htein (trái) và bà Suu Kyi - Ảnh: AFP
"Mọi người trong nước nên phản đối càng nhiều càng tốt những hành động mà họ đang tìm cách đưa chúng ta về con số 0 bằng cách phá hủy chính phủ của chúng ta" - ông nói với Frontier Myanmar sau cuộc đảo chính.
Bà Suu Kyi trong khi đó đã không được nhìn thấy trước công chúng kể từ hôm 1-2. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một nhóm có trụ sở tại Yangon chuyên giám sát các vụ bắt giữ chính trị ở Myanmar, hơn 130 quan chức và nhà lập pháp đã bị giam giữ liên quan đến cuộc đảo chính.
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở nước này cũng đã được lệnh chặn Facebook, phương tiện chính để giao tiếp của hàng triệu người ở Myanmar.
Vụ đảo chính đã thu hút sự lên án trên toàn cầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại lời kêu gọi của ông rằng: “Quân đội Myanmar nên từ bỏ quyền lực mà họ đã nắm giữ, trả tự do cho những người ủng hộ, nhà hoạt động và quan chức mà họ đã giam giữ, dỡ bỏ các hạn chế trong viễn thông và kiềm chế bạo lực”.
Biden đưa ra phát biểu chỉ vài giờ sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Jake Sullivan cho biết Nhà Trắng “đang xem xét các biện pháp trừng phạt có mục tiêu cụ thể đối với các cá nhân và đối tượng do quân đội kiểm soát”.
(CAO) Hôm 5-2, Reuters đưa tin Hội đồng Bảo an LHQ đã ra tuyên bố kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và những người khác bị quân đội giam giữ đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì nền dân chủ. Tuy nhiên Hội đồng bảo an đã không lên án cuộc đảo chính.