(CAO) Hôm 4-11, BBC đưa tin chính quyền thủ đô New Delhi - Ấn Độ khởi động hệ thống điều tiết xe mới để tuyên chiến với thực trạng ô nhiễm không khí đang tiến dần đến mức nguy hiểm ở thành phố này.
Theo đó, những chiếc ô tô tư nhân dựa trên biển số chẵn và lẻ của chúng, chỉ được phép di chuyển vào nội đô theo những ngày chỉ định trong khoảng thời gian từ 4 đến 15-11.
Hệ thống điều phối xe lưu chuyển này được giới thiệu trong giai đoạn 2016-2017 nhưng chưa rõ tính hiệu quả của chúng có làm giảm thiểu ô nhiễm hay không.
Mức độ các hạt bụi mịn lơ lửng trong không khí, được biết đến dưới tên PM2.5 ở thành phố này cao gấp nhiều lần mức cho phép khuyến cáo.
Ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ - New Delhi lên đến đỉnh điểm mấy ngày qua - Ảnh: Getty
Những ngày qua, chính quyền thủ đô Ấn Độ khuyến cáo người dân hạn chế ra đường hay làm bất kỳ hoạt động nào nặng nhọc. Trường học đóng cửa cho đến ngày 5-11 và có thể tiếp tục đóng đến cuối tuần nếu tình trạng ô nhiễm không khí còn tăng mạnh.
Lớp bụi mù là hỗn hợp của khí thải phương tiện giao thông, khói đốt đồng và khói thải từ các nhà máy khiến New Delhi chìm trong bụi mù ô nhiễm.
Theo Siddharth Singh – nhà nghiên cứu chính sách môi trường mô tả bầu không khí ở Delhi giờ đây như phải ngửi “mùi lá được đốt”.
Các quan chức Ấn Độ cho biết mức độ các hạt bụi mịn PM2.5 ở đây vượt xa mức cho phép và gấp 7 lần mức bụi mịn trong không khí ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, nơi cũng đang vật lộn với tình trạng ô nhiễm không khí tương tự. New Delhi giờ đây như một “phòng hơi ngạt”.
Người dân đeo khẩu trang ra đường chống bụi mịn - Ảnh: AFP
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 1/3 cái chết do đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim đến từ ô nhiễm không khí. Mức này ngang với hút thuốc lá nếu sống thường trực trong bầu không khí ô nhiễm.