(CATP) Lễ hội Halloween được tổ chức vào đêm 30 và ngày 31/10 hàng năm ở nhiều quốc gia, mang theo những trò nghịch ngợm của cả người lớn lẫn trẻ em. Thực tế cho thấy, dù mức độ phạm tội trong dịp này không cao (chỉ hơn 17% so với ngày thường, chủ yếu là trộm cắp, ẩu đả vì ném trứng vào người qua đường - theo thống kê của Cảnh sát Mỹ), thế nhưng một số vụ án mạng xảy ra vào "ngày hội ma quỷ” vẫn hằn sâu trong ký ức nhiều người.
Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, ngành sản xuất bánh kẹo tại Mỹ dấy lên nỗi lo về những chiếc kẹo tẩm độc phát cho trẻ em vào dịp Halloween, xuất phát từ vụ án Ronald Clark O'Bryan bị kết tội đầu độc con trai 8 tuổi của mình bằng chiếc kẹo tẩm xyanua mà đối tượng khai là xin được trong trò chơi "Bị ghẹo hay cho kẹo".
5 thanh kẹo hấp dẫn gây chết người
Vào dịp lễ Halloween năm 1974, Ronald O'Bryan (30 tuổi) đưa 2 con cùng 3 cha con người hàng xóm tham gia trò chơi "Bị ghẹo hay cho kẹo" tại 1 khu phố ở TP.Pasadena, bang Texas, Mỹ. Ở ngôi nhà nọ, họ gõ cửa mãi nhưng không ai mở nên mọi người bỏ đi, chỉ mình Ronald nán lại. Lát sau, anh ta đuổi kịp và xòe ra 5 thanh kẹo Pixy Stix (gồm đường bột trộn hương vị, phẩm màu nhồi trong ống nhỏ bằng giấy hoặc nhựa). Cuối buổi tối hôm đó, Ronald đưa cho mỗi đứa con của người hàng xóm 1 thanh Pixy Stix và cho 2 con của mình - bé trai Timothy và bé gái Elizabeth mỗi bé 1 thanh. Về gần tới nhà, Ronald đưa thanh thứ 5 cho cậu bé 10 tuổi mà anh ta thường gặp khi đi lễ nhà thờ.
Trước khi đi ngủ, Timothy xin ăn một ít kẹo mà người cha gom được trong buổi tối đó. Được một lúc, cậu bé kêu đau bụng, bắt đầu nôn mửa, co giật và chết trên đường đến bệnh viện, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau khi ăn kẹo. Xét nghiệm cho thấy Timothy tử vong do ngộ độc Kali Xyanua trong chiếc kẹo vừa ăn.
Cảnh sát lập tức thông báo và thu hồi số kẹo trên. Tin tức về cái chết của Timothy lan ra trong đêm. Hai đứa con của người hàng xóm chưa ăn chiếc kẹo xin được, cha mẹ của đứa trẻ thứ 5 thấy con trai mình đang ngủ, tay vẫn cầm viên kẹo do cậu bé không thể mở được những chiếc ghim bấm niêm phong lớp giấy gói. Nghe tin về cái chết của Timothy, cha mẹ của nhiều đứa bé khác gom tất cả các loại kẹo mà con họ xin được đem nộp cảnh sát.
Cả 5 thanh kẹo Pixy Stix (mỗi thanh dài 53cm, bao gồm cả chiếc kẹo Timothy ăn dở) đều được mở ra và cảnh sát phát hiện bột xyanua được đổ vào đầu mỗi thanh kẹo, niêm phong bằng 1 chiếc kim bấm. Phòng xét nghiệm cho biết thanh kẹo mà Timothy ăn chứa đủ xyanua để giết chết 2 người lớn, trong khi 4 viên kẹo còn lại chứa đủ độc chất này để giết chết 3-4 người lớn.
Nạn nhân Timothy OBryan
Tìm ra "cánh tay lông lá”
Theo lời Ronald, chính tay Timothy chọn thanh kẹo Pixy Stix. Sau khi nếm thử, cậu bé phàn nàn rằng nó có vị đắng và Ronald đã đưa cho con ly nước bột trái cây hòa tan để uống, nhưng cậu bé tiếp tục nôn và lả đi trong vòng tay cha.
Ban đầu Ronald nói với cảnh sát rằng không nhớ đã lấy Pixy Stix từ căn nhà nào. Sau khi đi bộ quanh khu phố với cảnh sát 3 lần, Ronald dẫn họ đến căn nhà không mở cửa lúc chập tối và cho biết chủ nhà không bật đèn, nhưng mở cửa và chỉ thò 1 cánh tay lông lá ra đưa 5 thanh Pixy Stix (xem ra cũng là trò nghịch ngợm vào đêm Halloween). Mặc dù vậy, chủ nhà là nhân viên không lưu và đêm đó anh trực, có tới 200 nhân chứng xác nhận sự có mặt liên tục của anh này tại vị trí làm việc.
Điều tra sâu hơn, cảnh sát biết Ronald nợ hơn 100.000 đôla (tương đương 620.000 đôla vào năm 2023). Lúc bị bắt, Ronald bị tình nghi trộm cắp tại nơi làm việc của mình tại Texas State Optical và sắp bị sa thải, phương tiện sẽ bị tịch thu. Anh này đã không trả được một số khoản vay ngân hàng và ngôi nhà của gia đình đã bị tịch thu.
Ronald OBryan cùng luật sư (đeo kính) bước ra từ phòng xử án
Cảnh sát phát hiện thêm Ronald đã cấp tốc mua nhiều khoản bảo hiểm nhân thọ cho các con: tháng 1/1984 - khoảng 62.000 đôla (thời giá năm 2023) cho 2 đứa con; 1 tháng trước Timothy qua đời, Ronald mua thêm 123.600 đôla và chỉ trong vài ngày trước hôm 31/10 đã mua thêm 20.000 đôla nữa. Tổng số tiền bảo hiểm cho 2 đứa con khi Timothy mất là 370.700 đôla. Ngay sau cái chết của Timothy, sáng hôm sau Ronald đã gọi điện đến công ty bảo hiểm hỏi về việc nhận tiền bồi thường của con trai. Vợ Ronald đã bác bỏ lời khai của chồng rằng chính Timothy chọn Pixy Stix, nhấn mạnh Ronald đã ép con trai chọn loại kẹo này.
Vì cảnh sát không có bằng chứng về việc Ronald tìm ra xyanua nên anh này không nhận tội và bám vào truyền thuyết đã có từ lâu về "kẻ đầu độc điên rồ" phát kẹo Halloween tẩm thuốc độc, dù thực tế không có trường hợp nào được ghi nhận về việc người lạ đầu độc bằng kẹo Halloween.
Ngày 03/6/1975, một tòa án Mỹ đã kết án Ronald O'Bryan tử hình bằng ghế điện về hành vi giết người. Đoàn bồi thẩm cho rằng "cánh tay lông lá” phát kẹo chính là của bị cáo. Ngày 31/3/1984, bản án được thi hành sau lúc nửa đêm; giữa lúc bên ngoài nhà tù, hàng trăm người thuộc cả hai phe ủng hộ và phản đối bản án tụ tập biểu tình.
(Còn tiếp...)