Bộ Công an vừa có báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trước khi ban hành vào ngày 1/1/2025 tới đây.
Theo báo cáo của Bộ Công an, qua gần 06 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ (VKVLN) và công cụ hỗ trợ (CCHT), các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong đó, Bộ Công an đã trang bị cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý tổng số 3.053.563 VK, CCHT, gồm: 158.867 vũ khí quân dụng, 5.462 vũ khí thể thao, 2.889.234 CCHT; cấp 1.745.830 giấy phép sử dụng, 1.307.733 giấy xác nhận đăng ký; tổ chức tập huấn, huấn luyện, cấp 624.337 giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý VKVLN, CCHT.
Các loại
dao tự chế là hung khí thu giữ trong một vụ án
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng VKVLN, CCHT. Kết quả trong gần 06 năm, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 120.700 khẩu súng các loại và nhiều VKVLN, CCHT khác.
Bộ Công an với vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VKVLN, CCHT đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ triển khai quyết liệt, xuyên suốt, hiệu quả từ Bộ đến cơ sở nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến VKVLN, CCHT đã được kiềm chế.
Trong gần 06 năm, toàn quốc đã phát hiện 36.204 vụ, bắt giữ 60.203 đối tượng chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VKVLN, CCHT, thu 6.321 khẩu súng các loại và nhiều VKVLN, CCHT khác.
Bộ Công an cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng VKVLN, CCHT năm 2017 đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Thực tế qua gần 06 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng VKVLN, CCHT năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện 29.751 vụ, bắt giữ 51.810 đối tượng sử dụng trái phép VKVLN, CCHT, dao; riêng sử dụng trái phép các loại dao gây án là 17.330 vụ, 27.501 đối tượng (chiếm 58,2% tổng số vụ, 53,1% tổng số đối tượng).
Qua thống kê cho thấy, tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ là các băng, nhóm tội phạm có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Bên cạnh đó, hiện nay toàn quốc có khoảng 12 làng nghề, 12.300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 22.000 người tham gia sản xuất, kinh doanh với trên 2.300 mẫu dao khác nhau, trong đó, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh dao, chiếm khoảng 12,5%; số hộ gia đình sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, chiếm khoảng 87,5%.
Hiện nay, chưa có quy định về các biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng dao, chưa có cơ quan, đơn vị nào trực tiếp thực hiện việc quản lý hoạt động này. Vì vậy, các đối tượng dễ dàng mua hoặc tự chế dao có tính sát thương cao để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, gây mất an ninh, trật tự.
Do đó, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng VKVLN, CCHT (sửa đổi), trong đó, Điều 74 của Luật quy định việc áp dụng quy định của Luật Quản lý, sử dụng VKVLN, CCHT đối với dao có tính sát thương cao và giao Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ ngày 1/1/2026 nhằm bảo đảm phù hợp với Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nhưng không gây cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.
Nghị định này đã được Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng và lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công an.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, riêng Điều 10, Điều 11 và Điều 12 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025; Điều 4, Điều 8 có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.