Kế hoạch phản gián CM12 phá tan âm mưu hoạt động xâm nhập của gián điệp biệt kích:

Kỳ 2: Đón lõng toán lính tiền trạm ở vùng biên

Chủ Nhật, 29/09/2024 19:01

|

(CATP) Từ khu vực Tà Lọt (Campuchia), vùng giáp kênh Vĩnh Tế, An Giang, toán gián điệp biệt kích xâm nhập vào Châu Đốc rồi liên lạc với đối tượng cầm đầu tổ chức phản động, đồng chủ tịch Mặt trận cùng với Lê Quốc Túy. Trước đó, nhóm này đã sang Thái Lan để huấn luyện tại trụ sở của lực lượng phản động Mặt trận, với mục tiêu sẽ quay về nước, xây dựng căn cứ ở vùng Bảy Núi, An Giang, đồng thời tuyển thêm 35.000 quân ở trong nước làm lực lượng vũ trang, phối hợp với lực lượng xâm nhập.

Chuyến xâm nhập bất thành

Ngày 11/01/1981, Công an tỉnh Tà Keo (Campuchia) thông báo cho lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam về sự việc một tên Khmer Đỏ vừa ra đầu thú. Trong lời khai của mình, y cho biết đã tham gia dẫn một toán người Việt Nam với tên gọi Minh Vương 1 từ nước ngoài đi qua Campuchia và xâm nhập vào biên giới để hoạt động chống Việt Nam.

Thông tin về đối tượng Khmer Đỏ xâm nhập vào lãnh thổ lập tức được báo cáo ngay cho Bộ trưởng Phạm Hùng, Thứ trưởng Viễn Chi (Thiếu tướng Trần Xuân Viễn), Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Huỳnh Thanh Việt (Mười Việt). Sau khi nhận được thông tin, Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các địa phương liên quan nhanh chóng xác minh, triển khai việc truy bắt số gián điệp xâm nhập và cơ sở của chúng trong nội địa. Đối tượng bị bắt được khai thác để làm rõ âm mưu, hoạt động của chúng. Yêu cầu và tư tưởng chỉ đạo là dựa vào quần chúng nhân dân và bằng các hoạt động nghiệp vụ; chủ động phát hiện, chủ động tấn công địch.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đoàn cán bộ Công an tỉnh An Giang đã sang Campuchia, phối hợp với đoàn chuyên gia và an ninh nước bạn trực tiếp xét hỏi đối tượng, từ đó khẳng định việc xâm nhập bằng đường bộ của 23 tên gián điệp biệt kích từ Thái Lan qua Campuchia về Việt Nam.

Ban chuyên án CM12 báo cáo tình hình triển khai chuyên án với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng

Nhận thấy sự khai báo của đối tượng Khmer Đỏ Săm Sua rất cụ thể và có sở, đoàn Công an An Giang nhận định nhiều khả năng có một nhóm gián điệp biệt kích người Việt xuất phát từ Thái Lan qua Campuchia và vượt biên về Việt Nam là chính xác, đúng sự thật. Ngày 12/01/1981, ông Huỳnh Thanh Việt đã báo cáo cụ thể hơn cho lãnh đạo Bộ Nội vụ và nhận định về việc có một toán gián điệp biệt kích mang vũ khí, điện đài đã xâm nhập Việt Nam.

Theo khai thác từ đối tượng Săm Sua, ngày 22/12/1980, toán gián điệp biệt kích đến Tà Lọt (Campuchia), khu vực giáp kênh Vĩnh Tế, An Giang và 2 tên vào Châu Đốc để liên lạc với Lê Chơn Tình, đối tượng cầm đầu tổ chức phản động, đồng chủ tịch Mặt trận cùng với Lê Quốc Túy. Trước đó, nhóm này đã sang Thái Lan để huấn luyện tại trụ sở của lực lượng phản động Mặt trận, nhưng không thực hiện được kế hoạch đã bàn với Lê Quốc Túy là quay về nước, xây dựng căn cứ ở vùng Bảy Núi, An Giang, đồng thời tuyển thêm 35 ngàn quân ở trong nước làm lực lượng vũ trang, phối hợp với lực lượng xâm nhập. Lê Chơn Tình cầm đầu nhóm phản động trong nước sau đó đã ra lệnh cho toán Minh Vương 1 phải quay trở lại căn cứ trong nước. Toán gián điệp biệt kích chia làm hai cánh, với Trần Ngọc Minh (K18) chỉ huy 8 tên đi hộ tống, sau đó quay lại Thái Lan; 15 tên gián điệp biệt kích còn lại do Lê Hồng Dự (K34) trực tiếp chỉ huy, tiếp tục xâm nhập về nước tìm nơi ẩn náu chờ chỉ thị, hẹn hàng tháng vào ngày 15, 30 đến bắt liên lạc ở Cần Thơ.

Thời điểm này, tình hình an ninh, chính trị tại miền Nam vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã giao cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm phụ trách công tác an ninh ở các tỉnh miền Nam. Theo đó, K4 là mật hiệu của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, còn K4/2 là ký hiệu chỉ Tổ An ninh, trực thuộc Thứ trưởng. Dựa trên tình hình an ninh thực tế tại miền Nam, với sự đồng ý của Bộ trưởng Phạm Hùng và các lãnh đạo chính quyền, một số cán bộ kinh nghiệm đã nhanh chóng được bố trí vào miền Nam, với ba tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm. Trong đó, tổ K4/1 phụ trách nghiên cứu tổng hợp, K4/2 phụ trách các vấn đề về an ninh và K4/3 có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề nội bộ của ngành. Trên danh nghĩa, tổ K4/2 chỉ là lực lượng có vai trò tham mưu. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, tổ này đã trở thành đơn vị chiến đấu thực sự, có vai trò lớn trong việc phá các chuyên án quan trọng. Bộ Nội vụ đã chỉ định đồng chí Nguyễn Phước Tân (Hai Tân), thời điểm này là Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị II, làm Tổ trưởng Tổ An ninh K4/2, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đấu tranh với địch, chỉ huy Tổ An ninh K4/2. Các đồng chí Lê Tiền và Hồ Khiết giữ vai trò Tổ phó.

Ban Chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12

Vùng biên giới "nóng" từng ngày

Ngày 12/01/1981, qua nguồn tin của dân quân phát hiện, Công an Kiên Giang đã thu được 12 súng AK bằng gấp, 7 quả lựu đạn Trung Quốc, 2 tay quay máy phát điện dùng cho điện đài và một số quân trang, quân dụng, có 3 lá cờ vàng ba sọc và một số phù hiệu đề: "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam"...

Liền sau đó, ngày 13/01/1981, Công an tỉnh Kiên Giang gửi công điện báo cáo vụ phát hiện và bắn chết một tên gián điệp biệt kích từ nước ngoài xâm nhập. Báo cáo của Công an Kiên Giang nêu diễn biến sự việc như sau: Trong khi xâm nhập Việt Nam, một tên trong toán gián điệp biệt kích có tên là Sén, bí số K24, đã đi lạc vào khu vực một đơn vị quân đội làm kinh tế ở Bình Sơn. Bộ đội thấy tên này có thái độ không bình thường, nên gọi lại hỏi. Sén sợ quá, nghĩ mình đã bị bắt nên khai là thuộc một tổ chức kháng chiến xâm nhập về để chống phá Việt Nam. Trong khi đang đi tìm vũ khí mà đồng bọn cất giấu, Sén sợ bị bắt giữ nên đã bỏ chạy, do đó bị bộ đội bắn chết.

Qua hai thông tin nói trên, Bộ Nội vụ nhận định có một âm mưu lớn, do một tổ chức phản cách mạng đang tiến hành với việc đưa quân, các toán gián điệp và biệt kích lần lượt xâm nhập vào Việt Nam qua biên giới. Ngày 15/01/1981, đồng chí Phạm Hùng chỉ thị cho Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm tổ chức lực lượng để nhanh chóng điều tra, truy bắt bọn xâm nhập. Đồng thời, các thông tin đã thu thập được cũng nhanh chóng được chuyển cho các Cục nghiệp vụ để kiểm tra. Báo cáo của lực lượng trinh sát kỹ thuật cũng phù hợp với diễn biến xâm nhập, các báo cáo từ địa phương về hành động của nhóm gián điệp cuối năm 1980.

Đồng chí Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), đã gọi điện thoại cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm tại TPHCM: "Ông biết gì chưa? Có bọn xâm nhập ở biên giới Tây Nam đấy. Cho triển khai ngay công tác xác minh và truy bắt bọn xâm nhập!".

Một đối tượng gián điệp phản động bị bắt giữ khi xâm nhập về nước

Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đã báo cáo rằng, ông cũng vừa nhận được thông tin này và sẽ nhanh chóng triển khai việc thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng. Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm sau đó gửi công điện khẩn đến cho Công an các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... yêu cầu xác minh truy tìm và nhanh chóng xử lý các hoạt động gián điệp biệt kích tại các khu vực biên giới. Bức điện nêu rõ: "Theo tin từ Campuchia ngày 11/01, một toán gián điệp đang đi qua tỉnh Tà Keo để xâm nhập vào Việt Nam. Đề nghị các đồng chí triển khai phương án nắm tình hình và truy quét. Cần phải xác nhận tin này đúng không? Có tin tức gì cụ thể báo ngay K4 và K4/2".

Sau đó, đồng chí Cao Đăng Chiếm tổ chức một cuộc họp với Tổ An ninh K4/2 để chỉ đạo công tác xác minh, truy bắt số gián điệp biệt kính xâm nhập. Lãnh đạo Tổ an ninh K4/2 là những sĩ quan an ninh rất giỏi về nghiệp vụ và dày dạn kinh nghiệm đấu tranh với gián điệp và phản động. Tổ trưởng Tổ An ninh Nguyễn Phước Tân (Hai Tân) lúc này vừa kết thúc thắng lợi chuyên án đấu tranh với nhóm phản động Fulro ở Lâm Đồng và vừa phải đi mổ đục thủy tinh thể mắt. Khi Hai Tân đang ở nhà nghỉ ngơi, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đích thân đến thăm, đồng thời yêu cầu ông Hai Tân vào trận. Đồng chí Cao Đăng Chiếm chỉ nói vắn tắt: "Có một vụ gián điệp biệt kích người Việt xâm nhập ở Tây Nam đang diễn ra. Nếu Hai Tân khỏe rồi thì tham gia vào chuyện này".

Với đồng chí Hai Tân, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm vừa là cấp trên, nhưng cũng có nhiều năm tháng gắn bó với nhau trong công tác điệp báo của an ninh miền Nam, cả hai có mối quan hệ rất thân tình, nhưng Hai Tân cũng hiểu rõ, những lời nói đó là mệnh lệnh của cấp trên.

Kỳ 1: Cuộc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang