Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam bộ:

"Thắng lợi của kế hoạch CM12 là sức mạnh của lòng dân"

Thứ Tư, 19/08/2020 10:48  | Thiện Thảo

|

(CATP) Khi nghe chúng tôi hỏi về thắng lợi lịch sử kế hoạch CM12, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), Thiếu tướng Hồ Việt Lắm tâm sự: "Thắng lợi kế hoạch CM12 ngoài sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam còn có sức mạnh của người dân. Khi tiếp xúc với cán bộ cấp dưới, Bác Hồ thường đọc câu ca dao: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Khi dân tin tưởng, dân giúp sức và ủng hộ là sức mạnh vô biên, là thành trì để giữ vững Tổ quốc...".

TÌNH DÂN QUÂN

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, năm 32 tuổi, ông là Phó Công an huyện Trần Văn Thời, được phân công thâm nhập vào tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu với bí danh NK.A2, ông có lo lắng không?

Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm

Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm: Chiến dịch phản gián CM12 có quy mô không gian và thời gian kéo dài bảy năm (tháng 6/1981 đến năm 1988). Tôi may mắn tham gia những trận đánh đầu tiên. Ngay trong bối cảnh lịch sử lúc đó, được tổ chức phân công là một vinh hạnh.

Lúc bấy giờ, trong nước đang phải khắc phục hậu quả rất nặng nề của hơn 30 năm chiến tranh, cũng như bị tác động của hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, lại bị Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận. Cơ chế quản lý, quan liêu bao cấp đã không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của tình hình; sản xuất bị đình đốn, lưu thông phân phối ách tắc, tình hình chính trị xã hội, an ninh diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; các loại tội phạm phát triển mạnh; xuất hiện nhiều tổ chức nhen nhóm phản cách mạng, làn sóng vượt biên, vượt biển trốn ra nước ngoài ngày càng tăng, trong đó, có cả những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất...

Trong các tổ chức phản động lưu vong thì tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu là có thực lực nhất lúc bấy giờ, hoạt động theo phương thức gián điệp biệt kích, có căn cứ huấn luyện ở nước ngoài (01 hải cảng và 01 đảo nhỏ làm căn cứ tập kết và xuất phát các chuyến xâm nhập bí mật vào Việt Nam) để thực hiện mục tiêu “giải phóng Việt Nam”. Vì vậy, khi được tổ chức phân công, tôi rất xúc động bởi được tổ chức tin tưởng.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể lại 18 lần làm nhiệm vụ "đưa đón địch"

- Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đã chuẩn bị kế hoạch của chúng như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Tháng 01/1981, chúng tổ chức xâm nhập đường bộ qua Campuchia về Việt Nam bị ta phát hiện, lập chuyên án AB27. Qua đó, ta đã phán đoán thời gian tới địch sẽ chuyển hướng xâm nhập Việt Nam bằng đường biển, và đúng như dự báo của ta. Qua công tác trinh sát và quá trình đấu tranh chuyên án ta nắm được kế hoạch hoạt động của bọn Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ năm 1977-1980): Nhiệm vụ móc nối, tìm chỗ dựa để tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ về tài chính, phương tiện, vũ khí, xây dựng căn cứ, tuyển mộ và tổ chức huấn luyện để phát triển lực lượng.

Giai đoạn 2 (từ năm 1980-1984): Tổ chức xâm nhập người, vũ khí và phương tiện về nước để lập bộ khung chính quyền và lực lượng vũ trang ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP.HCM; xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng trong nước; tiến hành các hoạt động phá hoại, ám sát; phá hoại kinh tế, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ nhân dân.

Giai đoạn 3 (từ năm 1985): Tiến hành các hoạt động vũ trang, cướp chính quyền ở những ấp, xã ven “căn cứ” của chúng để mở rộng vùng kiểm soát, lập chính quyền và xây dựng lực lượng vũ trang theo hệ thống từ xã, đến huyện, tỉnh, quân khu; tổ chức thành lập chính phủ, tranh thủ dư luận quốc tế và kiêu gọi các nước giúp đỡ… Thực hiện ý đồ trong nổi dậy, ngoài đánh vào để tiến tới lật đổ chính quyền trong cả nước.

Những lúc về Hòn Đá Bạc, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể lại chiến thắng của Kế hoạch CM12 cho thế hệ trẻ

- Như ông đã nói từ đầu, thắng lợi của kế hoạch CM12 ngoài sự dung cảm, mưu trí của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, còn có sức mạnh của nhân dân...

Đúng vậy. Dù lực lượng Công an nhân dân Việt Nam có mưu trí, dũng cảm đến đâu, cũng cần phải được nhân dân tin yêu, giúp sức. Chiến thắng kế hoạch CM12 nói lên điều đó. Ngày 12/5/1981, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cho một toán gồm 9 tên rời cảng Rayvang (Thái Lan) từ ngày 12 đến 15/5/1981 thì đổ bộ lên rạch Bảy Ghe, sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau).

Ngay sau khi chúng vào tới vùng biển và khi vào bờ đều bị quần chúng nhân dân phát hiện và báo tin cho lực lượng Công an về bọn xâm nhập. Tôi đã chỉ huy lực lượng An ninh địa phương phối hợp với Quân sự huyện và dân quân tự vệ tổ chức lực lượng vây bắt gọn toán này (tiêu diệt 1 tên toán trưởng, 3 tên ra đầu thú). Ngay trong kế hoạch vây bắt đã có ý thức tính toán đến các yếu tố then chốt phục vụ cho công tác phản gián, tạo tiền đề để lãnh đạo ra quyết định mở ra Chuyên án CM12 giành thắng lợi to lớn.

Trong quá trình thực hiện chuyên án CM12 ta cần làm căn cứ giả, kho vũ khí giả trong đất vườn nhà dân. Tôi đến gặp dân, chưa kịp mở lời, họ nói rằng “Việc nước, nếu cách mạng cần, công an cần gia đình tôi sẵn sàng như từ trước tới nay”. Thế là, bà con tích cực tham gia phát cỏ, lấp kênh… Khi bị bọn chúng phát hiện, nghi ngờ, bà con nhanh trí giải thích, công an lập trại bắt người vượt biên…

KỶ NIỆM NHỮNG LẦN “SỐNG TRONG LÒNG ĐỊCH”

- Trong 7 năm tham gia Kế hoạch CM12, chắc ông có nhiều kỷ niệm?

Trong 18 chuyến xâm nhập của bọn gián điệp - biệt kích, tôi đều có mặt “đón”. Bọn chúng rất ranh mãnh, luôn đề phòng, tạo ra nhiều tình huống để thử thách nhưng tôi và đồng đội luôn sát cánh nhau, gồng mình vượt qua, luôn căng não để ứng phó mọi tình huống.

Nhiều lần, bọn tay chân của Túy - Hạnh chĩa súng vào tôi để thăm dò xem ông là NK.A2 thật hay là Công an Việt Nam cài cắm. Tuy nhiên, do tiên lượng được tình huống này nên tôi đã bình tĩnh vượt qua, khuôn mặt không hề thay đổi thần sắc, vậy là niềm tin của chúng càng tăng.

Trong một lần xâm nhập để thực hiện chiến dịch “Hồng Kông 3” vào ngày mồng 7 Tết Nguyên đán năm 1982, Túy - Hạnh đưa về nước ở vùng biển Hòn Đá Bạc 47 biệt kích, cùng 20 tấn vũ khí. Toán này hoạt động độc lập nên khi vào nội địa, chúng chỉ nhờ “Tổ đặc biệt” lo an ninh bãi đổ quân sau đó sẽ tự lực đi vào rừng U Minh. Tôi được phân công cùng NK01 và K64 ra nhận vũ khí. Sau đó, chúng đưa cả toán vào rừng U Minh theo kế hoạch được các “đồng chủ tịch” Túy - Hạnh duyệt, nhưng thực chất nơi đây là trận địa mai phục của ta tại khu vực Giáo Bảy để tiêu diệt, bắt gọn không sót một tên.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm thăm, tặng quà cho các nạn nhân chất độc màu da cam

- Những lần ông được phân công đón bọn gián điệp, ông giáp mặt Túy-Hạnh bao nhiêu lần?

Tôi được bọn chúng tin tưởng nên giáp mặt với Túy-Hạnh nhiều lần. Nhưng ấn tượng nhất ngày 04/6/1982, tôi được giao nhiệm vụ lo an ninh bến bãi, ổn định tinh thần cho Túy - Hạnh dự tính sẽ gặp và đón nhận 11K đi cùng với các “đồng chủ tịch” đưa qua tàu của ta.

Chuyến đó, đích thân tôi đã dìu Mai Văn Hạnh qua ao để đến nơi “công tác”. Chân lội dưới sình, tôi thầm nghĩ: “Chuyến này tao tha “ngài chủ tịch”, nhưng hẹn chuyến sau sẽ dìu vô trại giam và để mày biết NK.A2 đang dìu mày là ai”. Cũng trong chuyến ấy, tôi được giao quản lý 1 tàu tiền giả (99.750.000 đồng, loại giấy có mệnh giá 10 đồng lúc bấy giờ); bố trí nơi ăn ở cho Túy - Hạnh tại căn cứ giả là chòi lá giữa rừng dừa nước ở Vàm Rạch Ruộng, xã Trần Hợi do chính tôi lập nên...

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Hòn Đá Bạc gồm cụm đảo gồm ba hòn: hòn Ông Ngộ, hòn Trọi, hòn Lớn (hòn Đá Bạc) thuộc xã đảo Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Dưới bàn tay của con người ba hòn đảo nay được nối với nhau và cả ba cùng nối với đất liền. Hòn Đá Bạc có diện tích 6,34ha. Đỉnh cao nhất ở hòn Lớn cao hơn mặt nước biển 50m. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nơi đây đã diễn ra chiến dịch phản gián của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (Kế hoạch CM12) đánh thắng cuộc xâm nhập của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu.

Trong thời gian từ 1981 đến 1984, tại Hòn Đá Bạc, lực lượng An ninh nhân dân đã đón bắt 18 chuyến xâm nhập, 189 tên biệt kích, 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, 2 tàu vận tải, phá 10 tổ chức phản động trong nội địa và các đầu mối nội gián cài cắm ở miền Nam, nhằm chống phá cách mạng nước ta. Ngày 22-6-2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL, công nhận Di tích Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 là Di tích Lịch sử quốc gia.

Bình luận (0)

Lên đầu trang