Những nghề nghiệp thử thách ý chí và lòng kiên nhẫn:

Kỳ 3: Nghề "đẩy hành khách" trên các toa tàu điện ngầm

Thứ Tư, 13/12/2023 08:47

|

(CATP) Không chỉ nổi tiếng với công nghệ tiên tiến thuộc top đầu thế giới, Nhật Bản còn được biết đến qua những công việc "hiếm có, khó tìm" hết sức lạ lùng. Trong đó, khi nghe nhắc đến nghề "đẩy hành khách trên các toa tàu điện ngầm", không ít người tỏ ra ngạc nhiên khi đây là công việc bán thời gian ở nước này.

"Nhồi" càng nhiều khách càng thêm thu nhập

Với số lượng người sử dụng tàu điện ngầm khủng ở Nhật Bản, cảnh chen chúc trên các toa tàu khó thể tránh khỏi, khiến không ít lần, cửa chẳng thể đóng được khi các toa đã chật cứng người. Chính vì thế, các "oshiya" (còn gọi là "pusher") xuất hiện từ năm 1967. Giờ cao điểm, trách nhiệm của họ càng thêm nặng nề khi đẩy càng nhiều người vào trong toa tàu càng tốt đồng thời phải bảo đảm tàu khởi hành an toàn, đúng giờ. Nếu làm tốt công việc được giao, mỗi nhân viên sẽ được thưởng thêm mức thù lao đáng kể.

Đặc biệt, tại thủ đô Tokyo với gần 10 triệu hành khách đi lại trên các tuyến tàu điện ngầm nội đô mỗi ngày, nhiều hơn đáng kể so với những phương tiện giao thông khác như xe bus hoặc ôtô cá nhân, các "oshiya" hành nghề này vất vả hơn. Trên hầu hết các tuyến đường, trung bình cứ 5 phút lại có 1 chuyến tàu đến, còn vào giờ cao điểm, con số này rút xuống chỉ còn 2 - 3 phút, mặc dù vậy mật độ hành khách luôn "chật như nêm" khiến hệ thống tàu điện ngầm cũng phải tăng cường trên 200% công suất. Trong khi đó, hệ thống tàu điện ngầm ở New York (Mỹ) chỉ phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách mỗi ngày - con số chênh lệch quá lớn!

Nghề "đẩy" cũng cần kỹ thuật

Với mục đích duy nhất là cố gắng nhồi nhét được nhiều hành khách nhất có thể vào mỗi chuyến tàu điện ngầm trước khi xuất phát, nhiệm vụ của các "oshiya" tưởng như nhàn nhã, vì chỉ tập trung khoảng 90 phút mỗi ngày, nhưng phải cực kỳ tập trung và chịu được sức ép "tứ phía". Công việc nghe tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn khi đòi hỏi rất nhiều kỹ năng bên cạnh sức khỏe tốt và phải qua khóa đào tạo 6 tháng. Nhưng cũng chính nhờ đội ngũ này mà Cơ quan quản lý hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản Japan Rail vốn nổi tiếng thế giới vì tính ưu việt và đúng giờ, qua công tác tuyển dụng thiết thực, hữu ích này càng tạo được ấn tượng.

Công việc vất vả của một nhân viên đẩy khách lên tàu điện ngầm ở Nhật Bản

Đầu tiên, các "oshiya" phải trụ thật vững đồng thời sử dụng cả hai tay, vì sẽ giúp cân bằng hơn so với chỉ sử dụng một tay, bảo đảm hành khách không bị ngã, và chỉ có thể đẩy vai - lưng của khách lên tàu, tránh chạm vào các bộ phận khác, nhất là nữ. Trước khi thực hiện công việc, "oshiya" phải nhắc hành khách rằng: "Chúng tôi bắt đầu đẩy" để họ chuẩn bị tinh thần và giúp đóng cửa các toa tàu sao cho bảo đảm an toàn đồng thời kiên quyết ngăn hành khách vào khoang nếu đã quá đông.

Loạt ảnh phóng sự Tokyo Compression do nhiếp ảnh gia Hồng Kông (Trung Quốc) Michael Woft thực hiện hơn 10 năm trước cho thấy, chỉ trong 1 ngày riêng tuyến tàu điện ngầm Yamanote ở Nhật phải phục vụ tới 3,5 triệu lượt người ở gần 20 nhà ga, ấn tượng nổi lên là các chuyến tàu chật cứng người, nhiều hành khách phải áp mặt sát vào cửa sổ toa tàu, trong khi rất khó chờ chuyến mới, vì lúc nào hành khách cũng quá tải hơn mức bình thường. Có ý kiến cho rằng Ban quản lý các ga nên tăng cường số tàu chạy, nhưng như thế mỗi chuyến tàu vào ga chỉ có thể dừng lại 1 phút sẽ rơi vào tình trạng "quá nhanh, quá vội vã” sẽ rất nguy hiểm!

Trước tình trạng này, Japan Rail đã tuyển dụng hàng loạt "oshiya" mặc đồng phục của ga, đeo găng tay trắng với nhiệm vụ cố gắng nhồi nhét được nhiều người nhất vào các ca-bin tàu để cửa có thể đóng lại. Đây có thể xem là công việc "có một không hai", phải chịu không ít áp lực. Nhật Bản là một trong số ít nước có điều luật quy định về mức độ của mùi hôi trong môi trường, được gọi là "luật kiểm soát mùi hôi", nhưng do không thoải mái vì nóng hoặc ngột ngạt vì "mùi người" hay thiếu oxy, hành khách tỏ ra cáu bẳn, khó chịu, đã có những trường hợp ngất xỉu giữa chừng hoặc thi thoảng vẫn xảy ra tình trạng móc túi...; trong khi đa số "nhân viên sắp xếp hành khách" này là sinh viên làm việc bán thời gian, nên áp lực càng thêm nặng nề, cần nhất là sức khỏe và sự uyển chuyển để thuyết phục các hành khách trước nguy cơ bị bỏ lại ga trước khi cửa đóng chặt, không ít trường hợp đã xảy ra xô xát giữa hành khách và "oshiya", trong khi người chịu thiệt bao giờ cũng là các nhân viên hành nghề "đẩy" này!

Dù các "oshiya" ngày càng giảm nhiều, nhưng vào giờ cao điểm, các nhân viên kể cả bán thời gian đều được huy động thực hiện công việc này, trong 60 - 90 phút mỗi ngày và không quá 2 - 3 lần/tuần để bảo đảm an toàn cho cả khách lẫn nhân viên "đẩy".

Hình ảnh các "oshiya" ở nhà ga từng được đề cập trong một số tác phẩm điện ảnh như Wolfs Clothing, Love Over Night...

Kỳ 2: Những
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang