(CATP) Nhật Bản là quốc gia có tình yêu đặc biệt với môn bóng chày, trong đó riêng với World Baseball Classic (WBC) - giải đấu quốc tế thành lập năm 2006, đội bóng xứ hoa anh đào đã đoạt 3 chức vô địch vào các năm 2006, 2009, 2023. Đặc biệt, những hình ảnh ấn tượng xuất hiện ở Tokyo Dome, sân nhà của Yomiuri Giants - đội bóng chày nổi tiếng nhất nước Nhật, ngoài những cú bóng chuẩn xác còn là "đội quân" gồm các cô gái trẻ trong trang phục lấp lánh ánh dạ quang, vác trên lưng hoặc quẩy trên vai thùng bia hơn 10 kg rảo quanh các khán đài phục vụ người hâm mộ.
Nghề đòi hỏi thể lực và tính kiên nhẫn
Được gọi là "uriko", những chân dài bán bia dạo trên sân bóng chày phần lớn là các cô gái trẻ, thường mặc váy ngắn hoặc quần short, rất được người hâm mộ môn thể thao nổi tiếng của xứ hoa anh đào "ưu ái", vì chính sự niềm nở, ân cần và hình ảnh trẻ trung, tươi mát trong lúc phục vụ cùng các vại bia lạnh đã giúp khán giả dịu cơn khát đang bừng lên giữa không khí sôi động trên sân đấu. Cứ thế, những bóng hồng làm "uriko" sẽ phải cõng trên lưng hoặc quẩy bên vai thùng bia nặng từ 15-17kg suốt 3 tiếng đồng hồ linh hoạt chạy khắp khán đài để phục vụ khán giả đang xem thể thao, giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt về doanh số bán ra của cả trăm "uriko" chào mời cùng lúc trên sân.
Giữa làn sóng ủng hộ reo hò cổ vũ rất dễ nhận ra các "uriko" trong trang phục với các gam màu nổi, cài hoa trên mái tóc bên dưới chiếc mũ lưỡi trai; một số cẩn thận quàng thêm miếng đệm nơi đầu gối vì phải quỳ lúc rót bia cho khách để tránh cản trở tầm nhìn của khán giả phía sau. Mỗi trận đấu, một "uriko" may mắn có thể đổi thùng 10-12 lần, nhóm có thể bán được hơn 20.000 ly bia.
Một cô gái quẩy thùng bia trên vai, niềm nở phục vụ khán giả đến sân xem bóng chày. Ảnh: Two Second Street
Theo các "uriko", công việc này tương đối vất vả và gặp không ít phiền toái khi phải di chuyển liên tục trong lúc mang vác cồng kềnh, lâu dần cơ bắp sẽ mỏi nhừ trước khi chuyển sang đau rã rời, trong khi tinh thần cũng không thoải mái vì áp lực doanh số bán ra. Lương của các "uriko" dựa trên hoa hồng, vì thế phải bán được nhiều mới có tiền và phải tranh thủ di chuyển nhanh nhất có thể, miệng phải luôn nở nụ cười để khách có ấn tượng tốt về mình mới có thể bán được bia.
Dù phía Tokyo Dome khẳng định công việc này không dành riêng cho giới nào, nhưng có vẻ như các khán giả trên sân bóng chày, thường là phái mạnh, lại chẳng mấy mặn mà với các chàng trai ôm thùng bia bán dạo trên sân, nên hầu hết công việc này chỉ dành cho nữ. Trong khi đó, tại những sân vận động khác ở Nhật Bản vẫn có một số nam thanh niên đảm nhiệm công việc này, trái ngược với thập niên 80 của thế kỷ trước, hầu hết những người đi quanh các sân vận động bán bia dạo đều là đàn ông...
Chạy đua trên khán đài để tìm khách
Hầu hết "uriko" thường xây dựng quan hệ thân thiết với khách hàng để tạo mối tương tác, dù chỉ là một chân bán bia dạo. Trong khi đó, khán giả trên sân lại cảm thấy phấn khích khi giữa lúc trận đấu đang kịch tính lại có một bóng hồng mỉm cười thân thiện, ân cần mời chào, khiến họ dù chẳng khát cũng muốn mua đồ uống.
Mặc dù vậy, không phải tất cả "uriko" đều có cái nhìn tích cực về công việc này. Theo một số người thì "có vẻ như tôi đang bán chính mình" khi có khán giả yêu cầu chụp ảnh chung và đưa cho cô tấm danh thiếp có địa chỉ liên hệ của họ trên đó.
Để đạt doanh số cao và nhận được tiền hoa hồng hậu hĩnh, các "uriko" phải "chạy đua" từ khách hàng này sang khách hàng khác. Mệt bở hơi tai nhưng khi nhân viên hỗ trợ nhấc chiếc thùng rỗng ra để thay cái mới vào, các "uriko" mới tranh thủ nhấp ngụm nước cho đỡ mệt và việc ngồi xuống xả hơi, với họ là điều vô cùng... xa xỉ!
Ở Nhật Bản, xã hội ngày càng thay đổi đã thách thức nhiều tiêu chuẩn công việc của phụ nữ. Mặc dù vậy, "uriko" vẫn là nghề được nhiều người yêu thích, dù đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục gây tranh cãi.
(CATP) Cuộc sống luôn tồn tại những thử thách muôn trùng mà bản thân mỗi người khó thể lường hết được, nhất là trong công việc. Khi ấy, chính ý chí kiên cường và lòng quyết tâm vượt khó sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển và cống hiến cho xã hội...
NGUYỄN XUÂN (Theo Asahi Shimbun, Japantoday)