(CATP) Nằm ở địa đầu cực Bắc Tổ quốc, tỉnh Hà Giang của Việt Nam thường ghi dấu ấn trong lòng du khách về vùng cao nguyên đá cùng các cung đường dốc quanh co, những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ, nhưng có lẽ ít người có thể lặn lội đường xa đến thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, nơi có bản người Dao nép mình bên dãy Tây Côn Lĩnh, sương mù bao phủ quanh năm với những rừng chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi sừng sững... Ấn tượng nhất là khi thu về, sắc vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang hòa cùng màu xanh của các vạt rêu phủ kín những mái nhà lợp cọ vừa hoang sơ vừa đẹp đến nao lòng.
Những căn nhà mái cọ rêu xanh
Đa phần nhà sàn của bà con đồng bào Dao ở Xà Phìn đều được lợp từ những tán cọ kiếm quanh núi rừng giúp làm mát cho không gian bên trong, sau thời gian dài phơi nắng đội mưa, từng vạt rêu xanh bắt đầu phủ kín, loang dần khắp phần mái, như chứng nhân của thời gian. Theo người dân địa phương, những căn nhà sàn mái lợp lá cọ phủ thảm rêu xanh đã che chở, bảo vệ họ chống chọi với thời tiết quanh năm sương mù bao phủ, thảm rêu mọc dày xen kẽ với những vạt thực bì đã giúp căn nhà giữ ấm trong mùa đông lạnh giá - nơi mà những cơn gió thốc đầu mùa khiến cả dãy Tây Côn Lĩnh sừng sững ấy cũng chẳng thể cản nổi - đồng thời tạo nét hoang sơ chỉ riêng có ở nơi này.
Hầu như những căn nhà sàn đều được làm ngay cạnh ruộng lúa của gia đình để tiện canh tác, tuy thảm rêu có khi dày đến 10cm nhìn có vẻ nặng nề nhưng kết cấu nhà sàn tương đối chắc nên không sợ sập. Rêu phủ càng nhiều trên mái chứng tỏ căn nhà đó đã được dựng lên từ rất lâu.
Nằm ở lưng chừng dãy núi Tây Côn Lĩnh, độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, không khí có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để rêu và các thảm thực bì mọc quanh năm trên những mái nhà của người dân Xà Phìn. Những mái nhà rêu phong ở đây song hành cùng bà con dân bản từ khi lập làng, nơi ấy chứa đựng không ít niềm vui, nỗi buồn của các thế hệ người Dao. Đặc biệt trong cách dựng nhà của mình, bà con người Dao còn khéo léo ở chỗ có thể kéo tấm cọ từ trên mái nhà ra để lộ vùng ánh sáng mặt trời rọi xuống, nơi được người Dao ví là "tai của căn nhà”, đặt ở 2 bên phần mái để lấy ánh sáng mặt trời. Tiện ích ở chỗ trời nắng không cần điện, chỉ cần mở "tai" ra cũng đủ ánh sáng cho khắp các gian. Lúc lợp nhà, bà con sẽ lợp bên "tai" phía mặt trời lặn trước, sau đó mới thực hiện phía còn lại, do người Dao ở Xà Phìn quan niệm bên mặt trời mọc nếu lợp trước sẽ che hết ánh sáng vào nhà.
Mái nhà phủ rêu phong tạo nên nét hoang sơ dưới dãy Tây Côn Lĩnh
Hiện bản Xà Phìn có 53 hộ với hàng trăm nhân khẩu, trong đó 42 hộ có nhà mái cọ đã phủ rêu xanh. Cùng với đó, văn hóa của người dân tộc Dao ở Xà Phìn cũng khá độc đáo, giàu bản sắc, chỉ riêng có ở nơi này...
Bên những mảnh ruộng bậc thang óng ả bao quanh xóm làng, dưới những mái nhà phủ đầy rêu xanh của người Dao nơi đây cũng rộn vang tiếng cười nói. Dù hiện một số gia đình khi làm nhà mới đã không còn lợp bằng lá cọ, thay vào đó là ngói hoặc tôn, nhưng chính sự thân thiện, hiếu khách của người dân hòa cùng những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc đã tạo nên vẻ quyến rũ, hoang sơ đầy mê đắm của vùng đất đại ngàn, là điểm đến cho những du khách đam mê trải nghiệm những miền đất mới lạ.
(Còn tiếp...)