Những chuyện khó tin nhưng có thật:

Kỳ 4: "Bác sĩ” phẫu thuật suốt 20 năm mới chỉ học hết cấp... 2!

Thứ Năm, 26/09/2024 08:16

|

(CATP) Chuyện khó tin nhưng có thật này xảy ra ở Thái Lan khi một bác sĩ 36 tuổi chuyên về Nam khoa làm việc đã 20 năm vừa bị phát hiện mới chỉ học hết cấp 2 và không có giấy phép hành nghề!

Từ bác sĩ không bằng cấp...

Sau hàng loạt ca phẫu thuật kéo dài "cậu nhỏ” diễn ra, "bác sĩ” Kittikorn Songsri, 36 tuổi, đến từ thành phố Samut Sakhon, miền Trung Thái Lan, đã bị bắt khi cảnh sát đột kích vào nơi vị này sinh sống và cũng là nơi "bác sĩ không bằng cấp" thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật "nâng cấp cậu nhỏ” suốt 20 năm qua.

Tại nơi ở đồng thời cũng là phòng mạch tư của "bác sĩ” xem thường pháp luật này, cảnh sát phát hiện các thiết bị y tế không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh cần thiết cho các quy trình phẫu thuật.

Bị lật tẩy hành vi lừa đảo, "bác sĩ” Kittikorn Songsri mới thừa nhận đã quảng cáo dịch vụ y tế của mình qua mạng xã hội và mỗi tháng phẫu thuật cho ít nhất 2 - 3 bệnh nhân, dù không hề có bằng cấp về y khoa. Cũng theo lời bác sĩ mạo danh này, ông ta đã tự học về phẫu thuật vào năm 14 tuổi và cũng bắt đầu "vào nghề" từ đó. "Bác sĩ” Kittikorn Songsri từng tiết lộ với các điều tra viên rằng mỗi ca phẫu thuật có mức phí 5.000 - 20.000 baht (tương đương 3,7 - 14,9 triệu VND).

Vụ việc chỉ được phát hiện sau khi một bệnh nhân bị nhiễm trùng silicone dẫn tới rối loạn cương dương đến trình báo cảnh sát. Một đặc vụ của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan sau khi làm việc với đơn vị Hỗ trợ dịch vụ y tế nước này đã cử nhân viên đóng giả bệnh nhân liên lạc với Kittikorn Songsri để thực hiện phẫu thuật y khoa và cuối cùng "bác sĩ” bị bắt quả tang. Kittikorn Songsri bị buộc tội điều hành phòng khám trái phép, cung cấp dịch vụ y tế không giấy phép, trong khi còn phải đối mặt với vụ kiện của bệnh nhân.

… Đến việc bệnh nhân tự đặt cược sinh mệnh

Điều khiến dư luận đặt câu hỏi là suốt 20 năm qua không có bất kỳ bệnh nhân nào tố cáo hành vi sai trái của bác sĩ không bằng cấp mà vẫn hành nghề một cách ung dung tự tại này? Qua sự việc trên cũng cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng về vấn đề liên quan đến sức khỏe con người.

Cảnh sát khám xét nhà "bác sĩ” Kittikorn Songsri

Theo một số chuyên gia y tế, không ít áp lực trong cuộc sống hiện đại đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm sinh lý của nam giới, dẫn đến xu hướng cần phẫu thuật thẩm mỹ hoặc cải thiện chức năng sinh lý ngày càng tăng; trong khi có thể do e ngại nên nhiều người thường tìm đến các phòng mạch tư để thực hiện theo kiểu "rỉ tai nhau", mà chẳng hề quan tâm đến trình độ của người thực hiện. Thực tế cho thấy dù chất làm đầy "cậu nhỏ” có thể được bảo đảm an toàn bằng cách tiêm thuốc hòa tan, nhưng trường hợp tiêm không đúng cách vào mạch máu hoặc các vị trí xung quanh có thể gây biến dạng vĩnh viễn hoặc dẫn đến bị nhiễm trùng, trường hợp nghiêm trọng có thể phải ghép da để phục hồi tổn thương...

Theo một số bác sĩ, chưa có bằng chứng chắc chắn rằng thủ thuật này giúp cải thiện chức năng "cậu nhỏ”. Tại Đức từng xảy ra tai biến y khoa khi một người đàn ông tử vong vì nhiễm trùng huyết sau khi silicone từ mũi tiêm tăng kích thước "cậu nhỏ” đã xâm nhập vào máu.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân Thái Lan ngại đến bệnh viện khi gặp vấn đề về sức khỏe là do tình trạng quá tải tại các bệnh viện công ở xứ chùa vàng không chỉ khiến bệnh nhân phải chờ đợi mệt mỏi mà chất lượng khám chữa bệnh cũng giảm. Dù theo yêu cầu, cần 1 bác sĩ cho 1.500 người dân nhưng tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế ở nhiều nơi tại Thái Lan khiến tỉ lệ này thấp đến mức theo thống kê vào năm 2017 chỉ còn 1 bác sĩ/7.000 dân, khiến nhiều nhân viên y tế chuyển sang các bệnh viện tư - nơi họ làm việc ít hơn nhưng thu nhập cao hơn.

Thêm vào đó, gần một nửa trong số hàng chục ngàn bác sĩ của Thái Lan tập trung tại thủ đô Bangkok, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng tại các tỉnh thành khác. Nhiều bệnh viện tư ở Thái trả lương cho bác sĩ từ 5.800 USD/tháng so với mức 1.800 USD ở bệnh viện công.

Nhằm giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân, Chính phủ Thái Lan đã triển khai chương trình bác sĩ gia đình (gồm 1 bác sĩ đa khoa, 4 y tá, 1 dược sĩ, 1 nha sĩ, 1 bác sĩ Đông y và 1 nhân viên của Bộ Y tế) song song với đào tạo thêm nhân lực trong ngành. Mỗi nhóm sẽ phụ trách một khu vực nhất định và thường xuyên phối hợp khám bệnh hoặc đến tận nhà bệnh nhân nếu cần để có thể chẩn đoán và điều trị sớm. Mặc dù vậy, mô hình này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở xứ chùa vàng...

Kỳ 3:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang