Những chuyện khó tin trong nghề báo

Thứ Tư, 21/06/2023 11:11

|

(CATP) Nghề nào cũng có vui, buồn; nhưng nghề báo lại có thêm những chuyện rất bất ngờ, đến nay kể lại nhiều người chưa chắc đã tin.

Ngăn chặn vụ "đánh bom" trong đám giỗ!

Khoảng cuối năm 1993 - đầu 1994, tôi đang ngồi làm việc ở phòng phóng viên thì Tổng biên tập (TBT) Hà Phi Long gọi lên cho đọc một lá thư viết bằng bút bi trên giấy học trò. Tác giả bức thư là chị Lê Thị Na, SN 1956, ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Chị Na cho biết có 2 người em chồng (đều là nữ và lớn tuổi hơn chị Na) luôn gây khó khăn, uất ức cho chị. Vì thế đến giờ "G", ngày "X" gia đình chồng sẽ có đám giỗ và chị đã chuẩn bị một trái... mìn, để cùng chết với 2 cô em chồng tên V. và Ng. sau khi đã nói hết sự thật giữa đám giỗ đông người! (chị Na cùng chồng từng đi đào giếng thuê ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên nên chồng có dạy cho chị biết cách "nhồi trái", "gắn ngòi", "kích nổ"...). Với hơn 1kg thuốc nổ, chị tin rằng sẽ "rửa hận" trong đám giỗ đông người... Khi tôi đọc xong thư, TBT yêu cầu phải đi liền, tôi xin ghé nhà lấy thêm bộ quần áo, sếp cũng không cho và gọi anh Châu Hùng phải lái xe đưa tôi đi Bến Tre liền, vì sợ... "sáng mai trái mìn sẽ nổ" giữa đám giỗ đông người như chị Na đã viết trong thư...

Tầm 9 giờ 30 hôm sau chúng tôi đến được UBND xã An Thạnh. Sau khi trình giấy tờ và nói rõ mục đích, chúng tôi được công an, xã đội hỗ trợ đưa về nhà chị Na.

Nhà chị Na chỉ là một chòi lá thấp lè tè, mỗi bề chừng hơn một sải tay nằm giữa đám ruộng lỏng bỏng nước nên nền nhà dù cao hơn vẫn ẩm ước, trơn trượt. Chị nghèo hơn sự tưởng tượng của tôi nhiều. Dáng chị cao gầy, mặt hiền hậu với nụ cười buồn và ánh mặt mệt mỏi. Chị mặc cái áo bà ba màu tím nhạt, bồng một bé gái chừng hơn một tuổi trên tay. Chị còn có cậu con trai chừng 10 tuổi, gầy gò và nhanh nhẹn. Chúng tôi đang nói chuyện với chị thì cậu bé trở về trong cái áo cộc tay rách bả vai, quần đùi khoe đôi chân lấm bùn cũng như tay, mặt mũi.

Thư của ông Tám Đ. - nguyên Chi cục trưởng QLTT Long An gửi cho tác giả sau khi ông bị khởi tố

Trước mặt chúng tôi (phóng viên Báo Công an TPHCM và các cán bộ công an, xã đội), chị Na trình bày những ấm ức vì 2 người em chồng với nước mắt ràn rụa. Sau đó chị lấy thuốc nổ, ngòi nổ ra nộp cho cán bộ xã, ký biên bản và cam kết sẽ không tàng trữ thuốc nổ hoặc sử dụng thuốc nổ vào bất cứ mục đích nào...

Chúng tôi lại sang gặp chị V. và chị Ng., 2 người em chồng đã gây bức xúc dẫn đến ý định "làm liều" của chị Na để khuyên 2 chị "đoàn kết" với chị dâu. Họ đồng ý dù có phần miễn cưỡng. Công việc coi như xong, tôi gửi lại chị Na một ít tiền do tòa soạn hỗ trợ cho độc giả nghèo rồi trở về lại Sài Gòn với niềm vui phơi phới vì đã kịp thời "tháo ngòi nổ" cho gia đình chị Na, triệt bỏ khả năng xảy ra án mạng kinh hoàng trong đám giỗ đông người. Đồng thời cứu được người phụ nữ đáng thương này khỏi những bản án nặng nề nếu quả mìn được kích nổ! Suy nghĩ này được tôi thể hiện trong bài "Ba người đàn bà và một trái mình" đăng trên Báo Công an TPHCM sau đó...

12 năm sau, tôi bất ngờ nhận được lá thư đề ngày 18/9/2006 của chị Na. Chị cho biết bé Kiều Khanh mà chị ẵm trên tay ngày tôi ghé nhà chị nay đang học lớp 8. Cháu học giỏi nên được nhà trường tặng xe đạp. Cậu con trai hiếu thảo năm xưa là cháu Tùng giờ cũng đã thành một ngư dân làm mướn trên các tàu đánh cá, câu mực với thu nhập chừng 1 triệu đồng/chuyến (mỗi chuyến đi biển kéo dài chừng 20 ngày), trừ chi phí rồi thì Tùng cũng được 2, 3 trăm ngàn đắp đổi. Còn chị tham gia công tác ở địa phương và được bầu làm Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã với phụ cấp mỗi tháng 293.000 đồng. Chị nói tiền ít nhưng công tác làm chị rất vui. Về 2 người em chồng "kỳ phùng địch thủ”, chị cho biết các mắc mứu (từ chuyện vay, trả 2 chỉ vàng) cũng đã được giải quyết, không ai còn giận ai. Nỗi buồn lớn nhất của chị là anh K. - chồng chị đã bỏ đi biền biệt từ mười mấy năm trước vẫn chưa quay lại để mấy mẹ con trông ngóng từng ngày... Từ năm 2006 đến nay (2023) là 17 năm tôi không còn liên lạc được với chị Na. Nhớ mãi chị viết trong thư "... Long đã đến với gia đình chị không chỉ vì nhiệm vụ mà còn vì tình người...". Thật cảm động!

Thư và ảnh chị Na gửi tác giả năm 2006

Đi tù vì bị Báo CATP đăng, nhưng vẫn... cảm ơn báo CATP!

Chuyện khó tin mà có thật này đã 2 lần xảy ra trong 35 năm viết báo của tác giả bài này. Lần thứ nhất, tôi viết bài điều tra đăng trên số Báo CATP ngày 24/4/1996 với tựa đề "Khi quản lý thị trường bảo kê buôn lậu" gây xôn xao dư luận tỉnh Long An thời điểm đó. Hơn 1 năm sau, cơ quan chức năng điều tra theo những gì bài báo phản ánh và khởi tố, bắt giam ông Tám Đ. - lãnh đạo cao nhất của ngành quản lý thị trường (QLTT) toàn tỉnh. Chưa kịp vui mừng với thắng lợi của bài điều tra đó thì cuối tháng 7/1997, tôi bất ngờ nhận được bức thư gửi theo địa chỉ tòa soạn đề ngày 18/7/1997, với câu đầu nguyên văn như sau:

"Chú Tám gửi cháu Văn Long... Lời đầu tiên chú cảm ơn cháu, với ngòi bút của người làm báo, với sự thật và công lý, vừa qua cháu đã đăng tin sự thật của chủ trương lãnh đạo tỉnh trong việc khai thác nguồn thu hàng hóa biên giới và sự việc đã xảy ra ngày 08/01/1996 trước công luận, làm cho lãnh đạo và là người chủ trương, người chỉ đạo điều hành trực tiếp, làm cho độc giả và dư luận xã hội hiểu được đúng sự thật của việc chủ trương thu thuế vừa qua, cũng đã làm vơi đi những nỗi oan ức cho người chỉ biết thừa hành nhiệm vụ. Những nỗi oan ức đó chú sẽ nêu lên cụ thể nội dung và trình tự sau đây để cháu hiểu rõ hơn... (bức thư rất dài, gồm 5 trang giấy khổ dài với chữ viết rất rõ, đẹp)...". Cuối thư ông Tám lại viết (nguyên văn)... "Chú đặt hết niềm tin vào khả năng và sự công minh của cháu đấu tranh cho lẽ phải, để đem lại công bằng cho xã hội. Cuối thư chú chúc sức khỏe cháu và gia đình luôn hạnh phúc, vui tươi, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc với chức năng của mình, để đem lại hạnh phúc cho mọi nhà. Chào cháu 18/7/1997 (ký tên)...".

Từ nội dung lá thư bày tỏ uất ức vì bị "bắt oan" của ông Cục trưởng QLTT tỉnh, chúng tôi nắm thêm thông tin và viết thêm những kỳ nối tiếp trên Báo CATP. Sau đó một Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An bị khởi tố như ông Tám. Vị này cũng khẳng định với phóng viên Báo CATP là ông chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên và sự thống nhất của tập thể lãnh đạo nên ông cho rằng mình đã chịu oan ức!

Nhóm phóng viên Báo CATP (từ phải qua: Thu Hiền - Thiên Hà - Lan Anh - Văn Long) được giải nhất báo chí toàn quốc 2001 cho loạt bài điều tra về ông M.

Nhà báo được "kẻ thù” nhận làm "em kết nghĩa"

Chuyện khó tin lần thứ 2 còn ly kỳ hơn chuyện về ông Tám Đ. nhiều, xin tóm tắt như sau: Vào năm 2000, Báo CATP đăng loạt bài điều tra 2 kỳ về ông M. - một giám đốc doanh nghiệp Nhà nước ở miền Tây có nhiều tiêu cực. Sau đó lãnh đạo tỉnh này đã ra nhiều văn bản phản ứng những gì Báo CATP đã đăng để bảo vệ ông giám đốc M., kể cả việc buộc báo phải đăng đính chính xin lỗi và bồi hoàn thiệt hại với số tiền rất lớn cho doanh nghiệp. Báo CATP vẫn kiên định lập trường và tiếp tục đăng thêm loạt bài 7 kỳ về những sai phạm của ông M. Sau đó cơ quan chức năng của Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam ông M., ông M. sau đó bị đưa ra xét xử và nhận mức án tù chung thân cho những sai phạm. Nhóm phóng viên Báo CATP thực hiện loạt bài điều tra đó (gồm Lan Anh - Thu Hiền - Thiên Hà - Văn Long) đã nhận được giải nhất báo chí toàn quốc vào ngày 05/01/2021 với số tiền thưởng 40 triệu đồng (nhóm phóng viên đã lấy toàn bộ số tiền này để xây 2 căn nhà tình thương tặng cho 2 hộ nghèo ở tỉnh Đồng Tháp). Đây cũng là giải A (giải nhất) báo chí toàn quốc đầu tiên của Hội Nhà báo TPHCM. Bộ Công an cũng tặng giải báo chí của ngành công an cho nhóm tác giả này...

Hơn 20 năm sau, vào một ngày cận Tết, một vụ trưởng quản lý báo chí đã nghỉ hưu gọi điện cho tôi, nói "cố nhân" M. muốn gặp. Đây là điều quá bất ngờ. Tôi báo cáo đồng chí Mai Văn Em, Phó tổng biên tập phụ trách chung (vì lúc này Đại tá Bùi Ngọc Giáp chưa về làm lãnh đạo tờ báo). Đồng chí Mai Văn Em đồng ý để tôi đi gặp ông M. Chúng tôi gặp nhau ở một tiệm ăn quận 3 và cũng là lần đầu tiên tôi được đối diện với người mình và cả tòa soạn từng đấu tranh rất căng thẳng, quyết liệt trên mặt báo. Ông M. đã ngoài tuổi 60 nhưng trông rất khỏe, nhanh nhẹn. Ông đưa ra một đề nghị rất bất ngờ: "Anh muốn làm anh em kết nghĩa với em"... Tôi ngạc nhiên, hỏi lại: "Sao anh lại muốn kết nghĩa với người đã từng viết nhiều bài báo khiến anh phải nhận án tù chung thân?". Ông M. cười hiền lành: "Nếu Báo CATP không đăng loạt bài đó thì anh không biết mình sai phạm, cứ tiếp tục chạy theo lợi nhuận thì khi bị phát hiện tội sẽ nặng thêm, sẽ nhận án tử hình, không còn cơ hội sống đến bây giờ. Anh không thù hận mà luôn biến ơn Báo CATP về việc này...".

Vị cựu vụ trưởng đi cùng cho biết: "Anh M. đã cải tạo tốt, có đóng góp trong quá trình thi hành án phạt tù nên được trả tự do sau 10 năm "trả nợ pháp luật". Ra tù anh thành lập doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động suốt nhiều năm nay và đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 10 nghìn tỷ đồng...". Tôi kinh ngạc đến há hốc với những gì vừa nghe. Đúng là một con người phi thường trong hành động và trong cả suy nghĩ, rất đúng với câu "quân tử lấy đức báo oán"... Đây đúng là gương sáng cho những người lầm lỡ phạm tội rồi quyết chí hoàn lương, đóng góp cho đời.

Lúc ra về ông M. tặng tôi món quà khá hậu hĩnh. Tôi đề xuất và đồng chí Mai Văn Em thống nhất lấy toàn bộ số tiền đó hỗ trợ các cháu mồ côi cha, mẹ vì dịch Covid-19 ở TPHCM và các tỉnh miền Tây. Nói rõ trong biên nhận giao nhận tiền cũng như tin bài đăng trên Báo CATP là tiền của ông M. tặng từ thiện.

Suốt 35 năm viết báo tôi còn gặp biết bao chuyện ly kỳ mà dù giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nghĩ ra. Rất mong có dịp sẽ kể lại để bạn đọc có thể hiểu thêm về nghề báo và cuộc sống phong phú, đa dạng qua mỗi thời kỳ làm báo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang