Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6:

Thách thức của nghề báo hôm nay

Thứ Sáu, 21/06/2019 11:17

|

(CATP) Xuyên suốt chiều dài lịch sử báo chí nước nhà, qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, nghề báo có những thay đổi nhằm thích nghi với thời cuộc.

Người làm báo trong thời kỳ mới ngoài việc tự đổi mới bản thân, phải luôn giữ được sự chân thật trong tác phẩm - tôn chỉ cao đẹp nhất của nghề báo.

Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Công an TPHCM đã gặp gỡ, chia sẻ với các nhà báo thuộc nhiều thế hệ, trong số đó có những cá nhân đã từng tạo nên những thành tích nổi bật, đóng góp cho sự phát triển của nghề báo từ năm 1990 đến nay.

Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện khánh thành Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: Phạm Nguyễn

Nhà báo MINH PHONG - Báo Công an TPHCM:

Chưa bao giờ làm báo lại thuận lợi, nhưng cũng đầy thách thức như ngày nay. Đây là thời mà khi cần bất cứ thông tin, tài liệu gì, chúng ta cũng có thể nhanh chóng tìm trên mạng, với vô số kết quả để tham khảo. Nhưng vì mọi người đều có thể dễ dàng tìm được kết quả như thế, nên nhà báo cần có được những thông tin riêng biệt, chính xác do chính mình phát hiện, khai thác và tổ chức thực hiện. Để có được tin tức nhanh nhất, độc quyền trong thời buổi này là cả một thách thức không nhỏ đối với các nhà báo.

Nhà báo Minh Phong

Tốc độ lan truyền thông tin ngày nay cũng cực kỳ nhanh chóng. Vì thế, các nhà báo không chỉ nắm bắt thông tin sớm, mà còn phải xử lý nhanh nếu không muốn thua kém báo bạn. Điều này không chỉ đòi hỏi nhà báo phải nhanh nhạy, mà còn phải thành thạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông.

Đây cũng là thời mạng xã hội lên ngôi. Với việc dễ dàng làm chủ một trang cá nhân trên mạng xã hội như Facebook, mỗi người đều có khả năng trở thành một “nhà báo”, một “chủ báo”, tự đưa lên mạng những hình ảnh, sự kiện, bình luận mà mình thấy hứng thú. Mạng xã hội vì thế trở thành một “quyền lực thứ 5”, ảnh hưởng to lớn, “cạnh tranh” gay gắt với báo chí chính thống.

Trong bối cảnh đó, người làm báo có thuận lợi khi coi đây là một trong những nguồn tin phong phú, nóng hổi; nắm bắt được phần nào xu thế, tâm trạng, nhu cầu xã hội của đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, nếu nhà báo không nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuẩn mực hơn thì sẽ không còn sức hấp dẫn so với mạng xã hội, không lôi kéo được độc giả như trước. Để trở thành nguồn thông tin chính xác, có chiều sâu, đáng tin cậy trong sự “nhiễu loạn”, tràn ngập của mạng xã hội, các nhà báo phải có nhiều mối quan hệ cũng như nỗ lực để tiếp nhận, khai thác, kiểm chứng nguồn tin; kèm theo đó là khả năng phân tích, nhận định mang tính chuẩn mực, chính thống, có sức thuyết phục.

Đây cũng là thời mà nền kinh tế phát triển “nóng”, với vô số doanh nghiệp, tổ chức có những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, thời gian qua có không ít tờ báo dễ dàng có được giấy phép và sống bằng cơ chế “tự chủ” với quản lý lỏng lẻo, chủ yếu “khoán chỉ tiêu” quảng cáo cho các văn phòng, phóng viên.

Từ đó, không hiếm những nhà báo sa ngã, chạy theo tiền tài, cố tình dùng ngòi bút của mình để “làm tiền”. Đã có không ít nhà báo rơi vào vòng lao lý vì tội nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Thực trạng trên đòi hỏi nhà báo phải có lòng yêu nghề, có lý tưởng, dám dấn thân, luôn trui rèn bản lĩnh và đạo đức nghề báo để vượt qua vô vàn cám dỗ, cạm bẫy.

Nhà báo HỮU PHÚ - nguyên phóng viên Báo Thanh Niên:

Nếu như ở thời của chúng tôi, người làm điều tra chỉ gói gọn mỗi cây bút, cuốn sổ, chiếc máy ghi âm và máy ảnh cơ thì thời nay, các bạn trẻ được trang bị nhiều hơn về các thiết bị ghi hình bí mật. Thuận lợi này vừa là thời cơ, cũng vừa là thách thức với những phóng viên trẻ.

Nhà báo Hữu Phú

Để trở thành một cây bút chuyên viết mảng phóng sự điều tra, đòi hỏi phóng viên phải có những thế mạnh riêng biệt. Sự nhạy bén trong phán đoán tình hình, sự can trường trong quá trình tiếp xúc với vụ việc và kỹ năng nghiệp vụ vượt trội là 3 yếu tố tiên quyết để tạo dựng nên một “thương hiệu” phóng viên điều tra đích thực.

Người làm báo điều tra luôn phải chịu đựng những áp lực vô hình, vì đơn giản là không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào chấp nhận ngồi im một chỗ để phóng viên tự do “đụng chạm” đến họ. Tất nhiên, nếu ai cũng sợ, cũng ngại khổ cực thì ai sẽ là người đấu tranh với cái xấu? Tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ có mong ước dấn thân, để trở thành một nhà báo điều tra thì điều quan trọng nhất là các bạn phải luôn giữ được một cái đầu “lạnh”, một trái tim “nóng” và một ngòi bút “thẳng”. Được vậy thì chắc chắn không một thế lực đen tối hoặc một cám dỗ nào có thể đánh gục các bạn.

Nhà báo NGUYỄN HỒNG LAM - Báo Công an nhân dân:

Hỗ trợ công nghệ đối với nghề báo hiện đại là rất quan trọng. Công nghệ giúp nối dài khả năng nghe, nhìn, giao tiếp của nhà báo, đồng thời rút ngắn khoảng cách địa lý, thu hẹp biên độ thời gian. Nó cũng mở ra một kênh tương tác mới, đa chiều giữa ba tuyến: tác giả - nhân vật - người đọc, tạo ra sự tương tác gần như tức thời, phá vỡ, thay thế quan hệ tương tác đơn chiều, truyền thống. Điều này giúp người làm báo tự biên tập, điều chỉnh thông tin tốt, nhanh, chính xác, phong phú hơn rất nhiều so với trước đây.

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam

Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại còn tạo nên cơ chế giám sát tức thời và chặt chẽ, đòi hỏi người viết báo, làm báo phải cẩn trọng tối đa, có trách nhiệm cao nhất trong việc đưa thông tin. Và cuối cùng, công nghệ giúp phá vỡ hoàn toàn việc áp đặt quan điểm, định hướng từ báo chí đến người đọc, tạo ra môi trường thông tin - truyền thông minh bạch, dân chủ hơn.

Ngoài việc cập nhật tri thức, kỹ năng làm chủ công nghệ để biến công nghệ thành phương tiện phục vụ nghề, tôi cho rằng người làm báo hiện đại phải tự tạo cho mình một bộ lọc (filter) thật tốt. Cần nhớ rằng, nếu công nghệ giúp ta thu ngắn được khoảng cách không gian, thời gian, giúp rút ngắn thời gian tìm và kiểm tra thông tin thì nó cũng có thể “đầu độc” chúng ta bằng tin giả (fake news), bằng sự bịa đặt có chủ đích, bằng sự nhiễu loạn quan điểm hay ý thức.

Phóng viên ĐỨC HẠNH - VTV9:

Truyền hình xưa hay truyền hình thời đại mới chung quy cũng là báo. Chức năng báo chí ở mỗi thời kỳ là không thay đổi, truyền hình cũng vậy. Chính vì thế, dù thời đại nào, với người làm phóng viên vẫn phải đảm bảo: kỹ năng, đạo đức làm báo. Sự khác biệt trước đây giữa truyền hình và các thể loại báo chí khác rất rõ ràng thì trong thời đại mới, ranh giới này dần mất đi vì xu hướng truyền thông đa phương tiện, khi một tờ báo, một kênh truyền hình tích hợp nhiều thể loại báo chí.

Phóng viên Đức Hạnh

Những lợi thế của truyền hình xưa thì ngày nay dần trở thành thách thức với truyền hình thời công nghệ bùng nổ. Vì thế, phóng viên truyền hình bây giờ đòi hỏi kỹ năng làm báo đa phương tiện, tổng hợp nhiều kỹ năng: làm báo hình, báo giấy, tận dụng không gian của môi trường mạng xã hội như một kênh chuyển tải thông tin nhanh chóng.

Nhà báo LÊ VĂN PHONG - Báo Người Lao Động:

Đối với báo chí hiện đại, việc đòi hỏi phóng viên phải chạy đua với thời gian, kịp thời đưa tin nóng bỏng, nhanh chóng, độc đáo tất nhiên là yêu cầu chung của tất cả các tòa soạn. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ 4.0, để đáp ứng được nhu cầu trên đối với phóng viên vừa là lợi thế, vừa là áp lực vô hình. Để có thể làm chủ được công nghệ mới, các bạn trẻ phải có kiến thức nền tốt. Điều đó không đến trong một sớm, một chiều, mà được vun đắp từ cả một quá trình xây dựng.

Nhà báo Lê Văn Phong trong một chuyến công tác ở biển đảo

Phạm vi đưa tin trong thời kỳ công nghệ mới, cách xử lý thông tin của mỗi phóng viên, mỗi tòa soạn báo cũng thể hiện khả năng, nét đặc sắc riêng. Mang tới cho độc giả những gì họ cần là nguyên tắc nghề nghiệp mà mỗi người làm báo phải thuộc nằm lòng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác nghiệp bằng mọi giá, giẫm đạp lên những quy chuẩn đạo đức về tình người. Mỗi nhà báo, bên cạnh cái đầu “lạnh”, vẫn phải giữ được một trái tim “nóng” để biết chia sẻ, cảm thông, biết dừng lại trước những nỗi đau của nhân vật.

Các phóng viên trẻ ngày nay phải tự trang bị cho mình những kỹ năng tác nghiệp thời đại công nghệ phát triển. Ảnh: Phạm Nguyễn

Bình luận (0)

Lên đầu trang