Những chuyện bất ngờ trong nghề báo

Thứ Ba, 21/06/2022 08:35

|

(CATP) Nếu tính từ lần được đăng bài trên Báo Sài Gòn Giải Phóng và truyện ngắn đầu tay trên Báo Tuổi Trẻ chủ nhật hồi đầu năm 1988, tôi đã có 34 năm viết báo. Giờ ở tuổi sắp nghỉ hưu, nhớ lại chặng đường dài cả tuổi xuân gắn bó với giấy bút, cứ như một giấc mơ với những trớ trêu, bất ngờ!

1- Cái số được làm nghề báo

Từ hồi học cấp 2, không hiểu sao bạn bè - nhất là các bạn nữ thường gọi trêu tôi là "nhà báo". Tôi cũng thích nghề báo, nhưng những năm đầu thập niên 80 ở phía Nam, không có trường dạy nghề báo. Tôi học khoa Triết trường Đại học Tổng hợp TPHCM, tốt nghiệp xong làm đủ nghề: Tuyên giáo, đi buôn, thợ mộc, phụ hồ, thủ kho, thỉnh giảng Triết học... và cộng tác viên của nhiều tờ báo. Sau đó mới được làm phóng viên Báo Công an TPHCM vào đầu năm 1992.

Chừng 7, 8 năm sau, cơ quan cho tôi đi học lớp báo chí. Tôi nghe thầy giảng được một lát thì trốn học, do phải đi viết tin bài. Vài bữa sau quay lại lớp học thì thấy dán thông báo tôi cùng 3, 4 anh chị khác bị đuổi học vì vắng liên tiếp 3 ngày không xin phép. Tôi bị đuổi học mà mừng rơn vì chỉ thích đi đó đây viết báo chứ không thích ngồi nghe lý thuyết rất nhức đầu về nghề báo. Thế rồi tôi may mắn có được hơn 20 giải thưởng báo chí, trong đó có cả giải nhất, giải nhì giải báo chí quốc gia, báo chí TPHCM và giải báo chí bộ, ngành.

Nhờ vậy tôi được mời thỉnh giảng các môn: nghiệp vụ phóng viên, phóng sự điều tra ở một số lớp đại học báo chí văn bằng 2 ở TPHCM và một số tỉnh. Vì chưa được đào tạo chính quy về báo chí nên tôi phải tự nghiên cứu, chuẩn bị giáo trình theo hướng cứ đem thực tế công việc làm báo của mình ra kể cho các học viên; từ những việc điều tra, sử dụng nguồn tin, đeo bám sự kiện; đến các biện pháp vào vai, thu thập tài liệu chứng cứ.

Từ những vụ thành công giúp cho các loạt bài điều tra của tôi được giải thưởng, đến những vụ thiếu sót phải trả giá đầy tiếc nuối, tôi đều rút ruột truyền đạt lại. Nhờ vậy các học viên thấy bổ ích, thích thú... Sau này, do bận nhiều việc và sức khỏe hạn chế nên tôi phải dừng công việc đi giảng những môn chưa bao giờ được học bài bản, chỉ mày mò tự học qua thực tế công tác. Đó là điều trớ trêu từ "cái số được làm báo"!

Lễ công bố dự án phim Hồ sơ lửa

2- "Lính quèn" được "lên đời" chốc lát!

Khoảng giữa năm 1995, tôi được cấp trên phân công đến chụp ảnh, viết bài về lễ mừng thượng thọ của một nhà cách mạng nổi tiếng. Tôi đến sớm, được vào phòng khách ngồi giữa cụ ông, cụ bà. Một lát thì đông người đến, xếp thành hai hàng dài từ cổng vào đến sảnh chính của ngôi biệt thự. Tôi xin phép hai cụ ra chụp vài tấm hình rồi đến một gốc cây đứng cho bớt nắng.

Bất ngờ nhiều ông, bà sang trọng bỏ hàng đi nhanh, sang gặp tôi với vẻ ân cần: "Em ơi, anh (chị) là... công tác tại... Nhờ em ghi tên vào sổ giúp để cụ biết anh (chị) có đến"... Nói xong họ đưa cho tôi những danh thiếp mà vừa đọc qua, tôi phát hoảng. Đó là những cái tên xuất hiện thường xuyên trên báo, đài vì chức vụ rất to. Lúc họ xếp hàng ngoài sân, nhìn vào phòng khách thấy tôi ngồi giữa và được cụ ông rót trà, cụ bà cho bánh nên tưởng là con, cháu của hai cụ. Giờ ra sân chụp hình, cầm sổ ghi chép, họ tưởng tôi đang "điểm danh" nên vội đến nhắc nhở để khỏi "lọt sổ".

Khi hiểu ra như vậy, tôi đang bất ngờ, luống cuống trước các nhân vật quyền uy, bỗng thấy vui quá chừng. Nếu không theo nghề báo, tôi có cố gắng thêm vài trăm năm nữa cũng không bao giờ được các vị "đứng đầu" đến nhỏ nhẹ "nhờ vả” như vậy! Đúng là chuyện khó tin, bất ngờ hơn cả giấc mơ!

3- Cảm ơn nghề báo

Từ nhỏ tôi đã mê đọc truyện và ước mơ lớn lên sẽ viết những cuốn truyệt thật dày, thật hay. Từ khi được đăng truyện ngắn đầu tay Màu mận chín trên Báo Tuổi trẻ chủ nhật hồi tháng 4-1988, ước mơ đó càng cháy bỏng. Khi truyện ngắn thứ hai là Kẻ sát nhân lương thiện được giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 1990 - 1991, tôi càng nôn nao với con đường đã chọn. Nhưng lúc đó tôi đã về làm phóng viên Báo Công an TPHCM. Nghề báo nhiều áp lực, nên hơn 10 năm sau giải thưởng, tôi vẫn không sáng tác được thêm tác phẩm nào đáng kể. Đây là nỗi buồn không thể chia sẻ, có lúc tôi buồn bực đổ tại làm báo nên tịt viết văn. Lúc bình tĩnh, lạc quan hơn thì ngậm ngùi "đây là cái giá của hơn 20 giải thưởng báo chí sao?, cũng không tệ.

Thôi thì chờ vài năm nữa xin nghỉ hưu non rồi tha hồ sáng tác"... xác định như vậy nên không lăn tăn gì nữa! Thế nhưng chỉ hai năm sau, không hiểu sao, tôi bỗng "viết như lên đồng" (theo cách nói vui của bạn bè), viết một lèo hơn chục tiểu thuyết và gấp đôi số đó là truyện ngắn đăng trên các báo. Nhiều cuốn sách cả ngàn trang (như Gia tộc tướng cướp) tôi lên kế hoạch viết trong 10 năm, nhưng chỉ cần 8 tháng đã hoàn thành. Còn những cuốn trên dưới 300 trang chỉ cần 3 tháng là xong. Đến nay, tôi đang hồi hộp hy vọng bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa (gồm 6 cuốn, khoảng 2.300 - 2.500 trang sách in, do Nhà xuất bản Công an nhân dân cấp phép) được công nhận kỷ lục là bộ tiểu thuyết hình sự dày nhất Việt Nam.

Xây nhà tình thương cho đồng bào nghèo ở Đức Trọng - Lâm Đồng

Bộ tiểu thuyết này có những cuốn đã được giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, đều được chuyển thể làm phim truyền hình nhiều tập cả 6 phần, và phần 1 - Mật danh Đ9 đã chiếu trên khoảng 20 kênh truyền hình từ năm 2018 đến nay sau khi được giải thưởng "Ngôi sao xanh", hạng mục "Phim truyền hình được yêu thích nhất"... Bộ Hồ sơ lửa dự kiến sẽ ra mắt độc giả trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 - 20-7-2022) hoặc dịp 77 năm thành lập Công an nhân dân (19-8-1945 - 19-8-2022).

Tôi có thể sáng tác rất nhiều tác phẩm văn học được độc giả, khán giả yêu thích như vậy là nhờ... nghề báo! Hơn 30 năm làm Báo Công an TPHCM tôi đã may mắn được đi đến hầu hết các tỉnh, thành trong nước và khá nhiều xứ sở khác; được tiếp xúc với rất nhiều phông văn hóa và những câu chuyện về các nhân vật khác biệt. Tôi đã trốn các lớp học báo chí, luật, chỉ miệt mài đầy hứng thú với khóa học nghiệp vụ công an 8 tháng của Trường đại học An ninh. Nhờ đó, tôi có thể tổng hợp hàng trăm vụ án lớn nhỏ và những chuyện độc đáo thu thập suốt đời làm báo vào bộ Hồ sơ lửa, để từng trang viết được sống động, thuyết phục.

Trên đường vào vùng sâu tỉnh Đắk Lắk làm từ thiện

Tôi đã viết bằng cảm hứng tuôn trào và niềm tin mãnh liệt vào trải nghiệm từ nghề báo của mình trên từng dặm đường tác nghiệp trong, ngoài nước; từ tuổi thanh niên háo hức đến lúc sức khỏe giảm sút vì tuổi tác! Nghề báo đã giúp tôi lo cho gia đình, thực hiện được hoài bão văn chương. Giúp tôi hiểu hơn về thế giới quanh mình. Tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi được viết, được chia sẻ, được hòa vào cuộc sống sôi động, bộn bề, tốt xấu lẫn lộn, chộn rộn bon chen.

Tôi và các đồng nghiệp trong cơ quan may mắn được tham gia vào các hoạt động thiện nguyện suốt hơn 30 năm của Báo Công an TPHCM trên hầu hết các vùng miền đất nước. Những chuyến đi làm giàu thêm cảm xúc nhân ái, để ngòi bút mình luôn hướng thiện, để tâm mình luôn giữ từ bi... Xin cảm ơn nghề báo!

Bình luận (0)

Lên đầu trang