Nóng bỏng “cuộc chiến của những quả dứa” xuyên eo biển Đài Loan

Chủ Nhật, 21/03/2021 19:55

|

(CAO) Hôm 21-3, BBC đưa tin Trung Quốc và Đài Loan đang đối mặt trong một cuộc chiến có một không hai: “Cuộc chiến của những quả dứa”.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, có thể sử dụng vũ lực để sáp nhập.

Tháng trước, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu dứa (thơm) được trồng ở Đài Loan, lệnh có hiệu lực từ ngày 1-3 với lý do lo ngại về nguy cơ mặt hàng nông sản này có “sinh vật gây hại” có thể ảnh hưởng đến cây trồng ở Đại lục.

Quyết định đã khiến các nhà lãnh đạo Đài Loan tức giận. Đài Bắc cho rằng động thái này không liên quan gì đến cây trồng mà thay vào đó là một ví dụ về việc Trung Quốc đang gia tăng áp lực chính trị lên hòn đảo mà Bắc Kinh xem là một tỉnh của Trung Quốc.

Đáp lại lệnh cấm đến từ Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo của Đài Loan đã dốc sức tìm kiếm những khách hàng mới ở nước ngoài và kêu gọi người dân địa phương ăn những thứ mà người tiêu dùng Trung Quốc “không còn có thể ăn được nữa”.

“Dứa Đài Loan còn khỏe hơn cả những chiếc máy bay chiến đấu. Các áp lực địa chính trị không thể bóp chết sự ngon lành của chúng ”, Phó lãnh đạo Đài Loan Lai Ching-te tuyên bố trong một tweet trên Twitter.

Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, hòn đảo này sản xuất 420.000 tấn dứa hàng năm và xuất khẩu hơn 10% so với năm ngoái, với hầu hết là xuất sang Trung Quốc.

Dứa được bày bán trên đường phố Đài Bắc. Từ ngày 1-3, Trung Quốc đại lục đã cấm nhập khẩu dứa sản xuất ở hòn đảo - Ảnh: BBC

Nếu không có doanh số bán dứa từ Đại lục, những người trồng dứa ở Đài Loan có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa dứa và kèm theo đó là nguy cơ giá của mặt hàng này có thể giảm.

Trước tình hình trên, nhà lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn đã đưa ra “thử thách dứa” trên mạng xã hội nhằm thu hút người tiêu dùng Đài Loan tăng mua mặt hàng này.

Trung Quốc cho rằng dứa Đài Loan bị cấm nhập vì cơ quan hải quan nước này đã nhiều lần phát hiện sâu bệnh trên trái cây đến từ Đài Loan.

Ma Xiaoguang, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc mô tả đây là một biện pháp phòng ngừa an toàn sinh học thông thường.

Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng các chính sách thương mại không rõ ràng để trừng phạt các đối thủ của mình.

Điển hình như các nhà sản xuất nông nghiệp Úc đã bày tỏ lo lắng rằng sản phẩm của họ đã phải chịu các lệnh cấm không chính thức hoặc bị áp các tiêu chuẩn mới không hợp lý, như trong một báo cáo chính sách của chính phủ Úc từ khi quan hệ giữa nước này với Trung Quốc xấu đi.

Dứa là một mặt hàng nông sản chủ lực của Đài Loan - Ảnh: BBC

Trước tuyên bố từ phía Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn đã thẳng thừng bác bỏ dứa Đài Loan kém an toàn và chỉ ra rằng 99,97% lô dứa nhập khẩu đã qua kiểm tra.

An toàn sinh học là một lĩnh vực quan trọng trong nông nghiệp bởi vì các loài du nhập (ngoại lai) vào có thể gây ra thiệt hại kinh tế thực sự. Nhưng lĩnh vực này cũng có một lịch sử lâu dài về việc bị các nước biến thành “vũ khí” khi nảy sinh các tranh chấp thương mại với các đối thủ.

Bà Deborah Elms đến từ Trung tâm Thương mại Châu Á cho biết: “Một số lo ngại trong lĩnh vực này thực sự xuất phát từ những lo lắng chính đáng về khả năng xâm nhập của sâu bệnh ngoại lai mà hầu hết các loài bản địa có thể không có biện pháp phòng vệ nào. Nhưng các quy tắc viện dẫn lo ngại này cũng là một cách khá dễ dàng để ngăn chặn các hoạt động thương mại nước ngoài”.

Cơ sở dữ liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (Unctad) cho thấy Trung Quốc có 1.642 hạn chế liên quan đến vấn đề an toàn sinh học áp lên hoạt động giao thương với các đối tác quốc tế nhiều hơn hầu hết các quốc gia ngoại trừ Ấn Độ, Mỹ, Panama và Peru.

Bình luận (0)

Lên đầu trang