(CAO) Hai loại vũ khí hiện tại đang gây chú ý của Nga là xe tăng T-14 Armata và tên lửa Iskander. Cả hai loại vũ khí tối tân này dù có giá không thấp nhưng liên tục nhận được nhiều lời "đề nghị" xuất khẩu.
Xe tăng T-14 Armata
Ông Yury Borisov - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước này cho biết, Nga đang có kế hoạch bổ sung khoảng 100 xe tăng T-14 Armata vào trước năm 2020. Đây là một trong những vũ khí được đặt hàng, các loại vũ khí tiên tiến khác cũng nhận được các đơn đặt hàng lớn. Đặc biệt, hơn nửa trong số đó đã cho thấy hiệu quả hoạt động cao khi được "thử sức" ở chiến trường Syria.
Những chiếc T-14 Armata đầu tiên sẽ được vào biên chế cho Trung đoàn xe tăng cận vệ số 1 đồn trú ở ngoại ô Thủ đô Moscow và một phần ở Quân khu Phía Tây Nga. Chiếc siêu tăng T-14 Armata xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng vào tháng 5-2015 trong Lễ duyệt binh Chiến thắng phát xít. Từ đó đến nay mẫu xe tăng này luôn được xem là một bước tiến vượt bậc so với phiên bản T-90 cũng vốn được các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao.
Cũng theo một số chuyên gia nhận định, nếu siêu tăng T-14 Armata được phép xuất khẩu, giá của mỗi chiếc sẽ hơn 7 triệu USD. Ngay khi mới đem vào thử nghiệm trong quân đội chính quy, thì Nga đã nhận được không ít đơn đặt hàng cho T-14 Armata. Tuy nhiên, khi mà "gói hàng" đầu tiên cho quân đội Nga chỉ hoàn tất vào năm 2020 thì đó cũng là mốc thời gian thấp nhất để các quốc gia trình đơn đặt hàng đối với loại xe tăng hiện đại này.
Tên lửa Iskander
Tổ hợp tên lửa đất đối đất chiến thuật - chiến dịch Iskander là một trong những tổ hợp vũ khí tấn công tốt nhất trong thời điểm hiện tại. Vào tháng 2-2016, ông Igor Sevastyanov - Phó TGĐ Rosoboronexport (cơ quan độc quyền xuất khẩu vũ khí quốc doanh) cho biết, đã bắt đầu có những cuộc đàm phán liên quan tới việc xuất khẩu tên lửa Iskander. Cũng trong tháng 6-2016, một đoàn lãnh đạo quân sự cấp cao của Saudi Arabia khi tham dự Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế ARMY-2015 đã tuyên bố: "Saudi Arabia thực sự quan tâm tới việc đặt mua các tổ hợp tên lửa Iskander".
Thế nhưng vào tháng 11-2016, đích thân ông Sergei Chemezov - người đứng đấu Tập đoàn công nghệ quốc doanh Rostec (Nga) đã khẳng định tên lửa Iskander chưa phải là vũ khí được phép xuất khẩu. Có không dưới 10 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến loại tên lửa này, có thể kể đến như: Belarus, Armenia,...
Sự quan tâm đặc biệt đến tên lửa Iskander là do khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa hiện đại, nhờ hệ thống điều khiển quỹ đạo bay độc đáo. Chính tính năng này đã giúp tên lửa Iskander gần như không thể đánh chặn, nó giúp người sở hữu đạt được thế chủ động tuyệt đối trên chiến trường.