Nhật Bản 'rục rịch' chuyển mình trước 'mối đe dọa' từ Triều Tiên

Chủ Nhật, 24/09/2017 07:25  | Thư Văn

|

(CAO) Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng lên 5.260 tỷ yên (khoảng 50 tỷ USD) bắt đầu từ tháng 4-2018. Đây là mức chi kỷ lục từ trước đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của việc này là nhằm đối phó trước "mối đe dọa" từ Triều Tiên.

Một khoản đầu tư dự kiến lên tới 70 tỷ yên sẽ được Nhật Bản khởi động nhằm cải thiện hệ thống lá chắn tên lửa mới, các gói nâng cấp khác như: hệ thống radar, tên lửa,... cũng được cân nhắc trong một gói nâng cấp khác mà ước tính trị giá vào khoảng 30 tỷ yên. Kế hoạch điều động Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) để bảo vệ các vị trí trọng yếu và duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động cũng tiêu tốn khoảng 56 tỷ yên. 

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cải tiến PAC-3 chưa đủ sức bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhật Bản

Hàn Quốc và Nhật Bản tỏ ra cứng rắn trong lần này bởi khi đã thử bom H, Triều Tiên hoàn toàn có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm tương tự. Và khi các tên lửa này gặp trục trặc, nó hoàn toàn có thể nổ tung trên bầu trời hoặc rơi sai vị trí, điều này sẽ để lại những hậu quả vô cùng khủng khiếp. Theo Bloomberg, hiện Nhật Bản đang triển khai các máy bay đánh chặn trên các tàu và các khẩu đội pháo Patriot đặt trên mặt đất để có thể bắn hạ tên lửa khi cần thiết.

Tuy nhiên, các loại tên lửa mà Triều Tiên đang sử dụng thuộc tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa. Điều này, cũng có thể hiểu là hệ thống đánh chặn mà Nhật Bản đang sở hữu không đủ sức để "vươn tới" chúng. Hệ thống PAC-3 MSE cũng không đảm bảo sẽ "tóm" hết được các tên lửa từ Triều Tiên, bởi Nhật Bản cũng như các đồng minh chưa kiểm chứng được công nghệ mà các quả tên lửa của Triều Tiên được trang bị.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất đối với "mối đe dọa" từ Triều Tiên

Chính vì thế, mới có thông tin Nhật tăng cường chi tiêu quốc phòng là để "đón về" hai hệ thống hiện đại là hệ thống phòng thủ tên lửa dưới mặt đất Aegis Ashore và Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Một vấn đề khó khăn khác là liệu Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản có cho phép thực hiện hành động tấn công trong những hoàn cảnh nhất định hay không? Chưa kể việc sử dụng cũng như chuyển giao công nghệ hiện đại không thể diễn ra nhanh chóng mà cần thời gian hoàn thiện. Như vậy, rõ ràng nếu Nhật "chậm chân", chắc chắn họ sẽ mất thế "chủ động".

Bình luận (0)

Lên đầu trang