(CAO) Ngày 12-5, Mỹ đã kích hoạt lá chắn tên lửa trị giá 800 triệu USD ở Romania, mà Washington cho rằng nó nhằm bảo vệ nước này và châu Âu khỏi các quốc gia “khiêu khích”. Tuy nhiên, Nga tỏ ra rất tức giận và cho rằng đây là động thái nhằm vô hiệu hoá kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Tại căn cứ không quân Deveselu, các quan chức cấp cao Mỹ và NATO tuyên bố đưa vào hoạt động hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo, có khả năng bắn hạ tên lửa từ các nước như Iran. "Tên lửa Iran có thể vươn tới nhiều nước Châu Âu, kể cả Romania" - Frank Rose, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát vũ khí nói.
Giới chức quân sự NATO, Mỹ và Romania tham gia lễ khánh thành và đưa vào hoạt động căn cứ phòng thủ của Mỹ tại Deveselu ở miền nam Romania - Ảnh: AFP
Ngày 13-5, Mỹ sẽ động thổ công trình lá chắn phòng thủ tương tự ở địa điểm cuối cùng tại Ba Lan, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Nó sẽ được bàn giao cho NATO kiểm soát vào tháng 7 tới.
"Đó là một phần của việc kiềm chế chính trị và quân sự đối với Nga. Những quyết định của NATO chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn" - Hãng tin Interfax dẫn lời ông Andrey Kelin, quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Nga.
Quan hệ giữa Nga và NATO tiếp tục đóng băng trước việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Châu Âu
Điện Kremlin luôn cho rằng mục đích của lá chắn tên lửa Châu Âu là nhằm vô hiệu hoá kho vũ khí hạt nhân của Nga. trong khi đó Washington luôn một mực bác bỏ điều này. "Chúng tôi không can thiệp vào bất cứ điều gì được coi là có khả năng gây bất ổn" - ông Douglas Lute, đặc phái viên Mỹ tại NATO cho biết.
Nga trước đó đã tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ tiếp tục triển khai lá chắn tên lửa tại Châu Âu.