(CAO) Sau khi Iran hôm 11-1 thừa nhận quân đội nước này đã bắn nhầm máy bay dân sự chở 176 hành khách của hãng hàng không quốc tế Ukraine vào thời điểm căng thẳng với Mỹ đang dâng cao, chính quyền Ukraine cho biết các báo cáo điều tra ban đầu đã tìm thấy mảnh vỡ của tên lửa Tor-M1 do Nga chế tạo tại hiện trường vụ việc.
Tên lửa Tor còn được NATO gọi là SA-15 Gauntlet là một loại tên lửa tầm ngắn nằm trong hệ thống phòng thủ theo điểm, được tích hợp bệ phóng và radar vào một phương tiện theo dõi mục tiêu.
Nó được thiết kế di động để gây chết người, nhắm đến các mục tiêu đang ở độ cao lên đến 6000 mét và tầm bắn cách bệ phóng đến 12km.
Mục tiêu tiêu diệt của Tor là các loại máy bay quân sự và tên lửa hành trình của đối thủ. Chúng còn được trang bị hệ thống làm nhiễu radar của đối phương và pháo sáng đóng vai trò “mồi nhử” để đối phó với các loại tên lửa tầm nhiệt.
Để nhắm vào 1 mục tiêu, hệ điều hành của tên lửa Tor phải xác định được mục tiêu trên màn hình radar vào phóng trực tiếp tên lửa.
Hệ thống tên lửa Tor xuất hiện trong 1 cuộc diễu binh ở Iran - Ảnh: Reuters Chưa rõ vì sao quân đội Iran lại mắc phải sai lầm nghiêm trọng như vậy vì các chuyến bay hàng không thương mại có bộ tiếp sóng - máy phát vô tuyến phát sóng danh tính (số hiệu chuyến bay), tốc độ và độ cao của chúng với tần suất được quy chuẩn hàng không quốc tế đồng ý. Có một số máy bay dân sự khác gần đó khi chuyến bay 752 bị rơi chỉ cách sân bay vài km.
Tất cả những chiếc máy bay dân sự đó sẽ được nhìn thấy tín hiệu trên màn hình radar của hệ thống tên lửa Tor cũng như radar dân sự tại sân bay.
Ngoài ra kế hoạch bay và mã vận chuyển của tất cả các chuyến bay dân sự theo lịch trình cũng sẽ được chia sẻ với các đơn vị quân đội đóng gần sân bay.
Điều đó cho phép những người vận hành tên lửa đối chiếu từng đối tượng trên màn hình radar với kế hoạch bay và mã vận chuyển.
Hệ thống tên lửa Tor khi bắn (Ảnh một buổi diễn tập bắn tên lửa của Trung Quốc)
Tor có thể tiêu diệt được các mục tiêu tầm ngắn (Ảnh một buổi diễn tập bắn tên lửa của Trung Quốc)
Reuters dẫn lời một quan chức phòng không Châu Âu nhận định: Bắn hạ một máy bay của địch thủ bằng tên lửa rất dễ. Nhưng nhận dạng rõ máy bay để biết chiếc nào của địch chiếc nào không để ra tay mới là thách thức.
Tên lửa Tor được dẫn đường bằng hệ thống radar và bay với tốc độ gần gấp ba lần tốc độ âm thanh. Điều đó có nghĩa rằng nếu nó bắn một mục tiêu cách 5 km, quả tên lửa sẽ trúng mục tiêu chỉ trong vòng 5 giây.
Tor sở hữu đầu đạn nhỏ - chứa khoảng 15 kg chất nổ, được thiết kế để phun ra các mảnh kim loại vụn, như bạc đạn vào mục tiêu khi phát nổ. Tor là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất mà Iran có, có thể tấn công hai mục tiêu cùng một lúc với tối đa hai tên lửa xuất kích trong 1 lần phóng đi.
Trước đó, Iran đã thừa nhận vụ máy bay của hãng hàng không quốc tế Ukraine rơi khiến 176 hành khách chết trong tuần qua là do “lỗi của con người”.
Iran thừa nhận nhắm vào máy bay chở hành khách là “lỗi vô tình” trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ sau vụ giết tướng tăng cao. Họ tưởng đây là máy bay chiến đấu của Mỹ.
Đây là động thái mới nhất liên quan đến chuỗi thảm hoạ. Trước đó tình báo phương Tây cáo buộc máy bay rơi do trúng tên lửa đất đối không của Iran. Tehran lúc đó đã bác bỏ các cáo buộc này
Đài CNN còn có được đoạn video cho thấy dường như có 1 tên lửa phóng lên trên bầu trời Tehran vào thời điểm máy bay Ukraine rơi xuống vỡ từng mảnh ở Shahedshahr.
Ngoại trưởng Iran - Javad Zarif viết trên Twitter: "Một ngày buồn! Kết luận sơ bộ từ cuộc điều tra nội bộ của Lực lượng Vũ trang cho thấy: Lỗi của con người tại thời điểm khủng hoảng do chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ đã dẫn đến thảm họa".
Hiện trường vụ rơi máy bay - Ảnh: CNN
Vụ bắn rơi máy bay diễn ra chỉ vài giờ sau khi Iran nã tên lửa vào 2 căn cứ ở Iraq có lực lượng liên quân Mỹ đồn trú.
Giới chức Iran đã tiến hành điều tra dữ liệu từ hộp đen. Các nhà điều tra Ukraine hôm 10-1 đã được Iran cho phép tiếp cận các hộp đen.
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran tuần qua làm tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm mới ở Trung Đông kéo theo nhiều hệ quả như vụ bắn nhầm máy bay dân sự.
Phía Mỹ cho rằng máy bay Ukraine bị 2 tên lửa đất đối không SA-15 do Nga chế tạo, được đưa vào biên chế của quân đội Iran bắn rơi.
Vụ việc khiến 176 hành khách thiệt mạng - Ảnh: Getty
Iran bắn rơi máy bay trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ - Ảnh: Getty
(CAO) Ngày 11/1, hãng AP đưa tin giới chức Iran thừa nhận quân đội nước này đã "vô tình" bắn rơi chiếc máy bay Boeing 737 của Ukraine hôm 8/1, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng.