Cả Trung Quốc và WHO đều chậm trễ trong việc ngăn Covid-19 bùng phát

Thứ Ba, 19/01/2021 13:04  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 19-1, CNN đưa tin một hội đồng đánh giá độc lập đã đưa ra nhận định rằng cả Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đáng ra đã có thể “hành động nhanh hơn và mạnh mẽ hơn” để ngăn chặn sự khởi đầu của đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên lan ra toàn cầu.

Trong báo cáo tạm thời được ban hành, Ủy ban độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch có trụ sở tại Thụy Sĩ xác định rằng Bắc Kinh đáng ra đã có thể đã mạnh tay hơn trong việc áp dụng các biện pháp y tế công cộng khi các ca bệnh lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Báo cáo cho biết: “Điều rõ ràng với hội đồng là các biện pháp y tế công cộng đáng ra đã có thể đã được các cơ quan y tế địa phương và quốc gia ở Trung Quốc áp dụng mạnh mẽ hơn vào tháng 1-2020”.

Các trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán xảy ra từ ngày 12-12 đến ngày 29-12-2019, theo chính quyền thành phố. Các trường hợp này không được báo cáo cho WHO cho đến ngày 31-12. Vào thời điểm Vũ Hán bắt đầu bị phong toả vào ngày 23-1-2020, virus đã lây lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ.

Một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Úc, đã cáo buộc Bắc Kinh đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch trong giai đoạn đầu và ngăn chặn một phản ứng hiệu quả cho đến khi tình hình đã trở nên quá muộn.

Cả Trung Quốc và WHO đều bị đánh giá hành động chậm trễ trước Covid-10 - Ảnh: CNN

Ủy ban độc lập, do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đồng chủ trì, cũng chỉ trích WHO về sự chậm trễ trong việc đưa ra báo động, đồng thời kêu gọi cải tổ cơ quan này của Liên Hiệp Quốc.

Mặc dù đã được thông báo về các trường hợp này vào cuối tháng 12-2019, WHO đã không triệu tập ủy ban khẩn cấp của mình cho đến ngày 22-1-2020, và sau đó đợi đến ngày 30-1 trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế.

"Không rõ tại sao ủy ban của WHO không họp cho đến tuần thứ ba của tháng 1, cũng như không rõ tại sao họ không thể thống nhất về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm khi uỷ ban này được triệu tập lần đầu tiên" - báo cáo nhận định.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng WHO đã không tuyên bố sự bùng phát thành đại dịch cho đến ngày 11-3-2020 sau khi một số chuyên gia y tế và các cơ quan truyền thông đã bắt đầu áp dụng thuật ngữ này. Vào thời điểm đó, đã có 118.000 trường hợp mắc và hơn 4.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Chậm trễ trong bước đầu ứng phó đã khiến dịch bùng ra toàn cầu - Ảnh: Getty

Báo cáo cho biết: “Mặc dù thuật ngữ đại dịch không được sử dụng hoặc định nghĩa trong Quy định Y tế Quốc tế (2005), nhưng việc sử dụng nó nhằm mục đích tập trung sự chú ý vào mức độ nghiêm trọng của một sự kiện y tế” là cần thiết.

Báo cáo kết luận rằng WHO "đã không đủ năng lực để thực hiện công việc như mong đợi”.

Hội đồng đánh giá dự kiến ​​trình bày báo cáo cuối cùng tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5 và khuyến cáo cộng đồng quốc tế cần đạt được "sự tái lập toàn cầu" về cách đối phó với đại dịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang