(CAO) Hôm nay 15-6, AFP dẫn báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI ) cho biết các nước có sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn đang tiếp tục nâng cấp đầu đạn hạt nhân bất chấp xu hướng quốc tế kêu gọi giải trừ quân bị.
Theo đó, trong giai đoạn 2010-2015, số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu đã giảm từ 22.600 xuống 15.850, với số lượng giảm mạnh nhất rơi vào hai nước Mỹ và Nga.
Viện nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tuy có giảm về số vũ khí nhưng cả hai nước này đều có chương trình hiện đại hóa với lộ trình lâu dài và tốn kém để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình.
“Các nước vẫn tiếp tục chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân theo cách của mình và không có chỉ dấu nào cho thấy họ sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân đang sở hữu trong tương lai gần”- nhà nghiên cứu Shannon Kile của SIPRI nói với AFP.
Thống kê số lượng đầu đạn hạt nhân của các nước - Ảnh: Đồ họa AFP
Ngoài Mỹ và Nga, 3 nước khác là Pháp, Trung Quốc và Anh –những quốc gia được thừa nhận về mặt pháp lý của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân rằng họ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân- đều đang sở hữu số lượng đầu đạn hạt nhân lớn với Trung Quốc (260 đầu đạn), Pháp (300 đầu đạn), Anh (215 đầu đạn). Báo cáo của SIPRI cho biết cả 3 nước này “ một mặt đang phát triển hoặc đang triển khai hệ thống vũ khí hạt nhân mới, hoặc trong số họ cũng từng tuyên bố ý định sẽ làm như vậy”.
Trung Quốc là nước duy nhất trong số 5 cường quốc hạt nhân toàn cầu ( Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) vẫn còn “ khiêm tốn” trong việc gia tăng quy mô kho vũ khí của mình.
Còn 3 nước không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là Ấn Độ, Pakistan và Israel sở hữu kho đầu đạn hạt nhân khiêm tốn hơn với Ấn Độ (90 đến 100 đầu đạn) , Pakistan ( 100 đến 120 đầu đạn) và Israel ( 80 đầu đạn). Trong đó, Ấn Độ và Pakistan tiếp tục gia tăng quy mô kho vũ khí của họ trong khi Israel đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa.
CHDCND Triều Tiên trong khi đó được ước tính đang sở hữu khoảng 6 đến 8 đầu đạn hạt nhân. Nhưng do nước này khép kín với thế giới nên khó đánh giá được tiến bộ trong kĩ thuật về phát triển vũ khí hạt nhân.
SIPRI cũng nhận định Mỹ là quốc gia minh bạch nhất trong các báo cáo về kho vũ khí hạt nhân của mình, trong khi Anh và Pháp còn hạn chế trong quá trình minh bạch kho vũ khí. Nga thì không có tiết lộ chính thức nào về kho vũ khí hạt nhân của mình ngoại trừ với phía Mỹ.
Trong khi đó, người ta chỉ biết được chút ít quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc do nước này tiết lộ nhỏ giọt trong khi Ấn Độ và Pakistan công chúng được biết qua các thông báo thử tên lửa.