(CAO) Hôm 25/2, Reuters đưa tin Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua một nghị quyết do Mỹ soạn thảo, trong đó có lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách làm trung gian chấm dứt chiến tranh.
Nghị quyết ngắn này phản ánh việc ông Trump đảo ngược chính sách của Mỹ đối với Ukraine sau khi nhậm chức vào tháng trước và thể hiện lập trường hòa giải hơn của ông đối với Nga. Ngược lại, chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn đầu các nỗ lực tại Liên Hiệp quốc để hỗ trợ Ukraine trong suốt cuộc chiến.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp quốc - Vassily Nebenzia thừa nhận "những thay đổi mang tính xây dựng" trong lập trường của Mỹ về cuộc xung đột. Ông nói với hội đồng bảo an rằng nghị quyết này "không phải là một nghị quyết lý tưởng", nhưng "là điểm khởi đầu cho những nỗ lực trong tương lai hướng tới giải pháp hòa bình".
Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc gồm 15 thành viên trước đó đã bế tắc trong suốt cuộc chiến và không thể thực hiện bất kỳ hành động nào vì Nga nắm quyền phủ quyết.
Nhưng Đại hội đồng Liên Hiệp quốc gồm 193 thành viên đã nhiều lần ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và kêu gọi một nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện phù hợp với hiến chương Liên Hợp quốc.
Nghị quyết của Mỹ vừa được thông qua bày tỏ thương tiếc cho sự mất mát về sinh mạng trong "cuộc xung đột Nga-Ukraine", nhắc lại mục đích của Liên Hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột và duy trì một nền hòa bình lâu dài.

Hội đồng Bảo an vừa thông qua nghị quyết do Mỹ đề xuất về giải quyết xung đột ở Ukraine - Ảnh: Reuters
Các nghị quyết của Hội đồng bảo an được coi là có tính ràng buộc, trong khi các nghị quyết của đại hội đồng thì không. Tuy nhiên, các nghị quyết của đại hội đồng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc chiến.
Hội đồng bảo an đã thông qua nghị quyết của Mỹ với 10 phiếu thuận, trong khi Pháp, Anh, Đan Mạch, Hy Lạp và Slovenia bỏ phiếu trắng. Nga đã bỏ phiếu thuận sau khi không sửa đổi nghị quyết và phủ quyết các đề xuất của Châu Âu nhằm thêm ngôn ngữ ủng hộ Ukraine.
"Nghị quyết này đưa chúng ta đến con đường hòa bình. Đây là bước đầu tiên, nhưng là bước quan trọng - một trong những bước mà tất cả chúng ta nên tự hào" - Quyền Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc - Dorothy Shea phát biểu trước hội đồng. "Bây giờ chúng ta phải sử dụng nó để xây dựng một tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế" – Shea nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Trump đối với việc hòa giải đã khiến Ukraine và các đồng minh châu Âu cảnh giác và lo ngại rằng họ có thể bị loại khỏi các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh.