Nỗi lo lạm phát phủ bóng trong tháng đầu cầm quyền của ông Donald Trump

Thứ Bảy, 22/02/2025 17:14

|

​(CAO) Hôm 22/2, CNN đưa tin đã một tháng trôi qua kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng nhưng ông vẫn chưa thể thực hiện được lời hứa lúc tranh cử là sẽ hạ nhiệt được tình trạng lạm phát ở Mỹ “ngay từ ngày đầu tiên” nếu đắc cử.

Lời hứa khi tranh cử

Theo đó, giá tiêu dùng đã tăng 0,5% vào tháng trước so với tháng 12 — mức tăng giá hàng tháng nhanh nhất kể từ tháng 8/2023, theo dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ. Và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi giá bán buôn vẫn ở mức cao, thường là chỉ dấu của một mức giá tiêu dùng cao hơn.

Tác động của lạm phát trở nên nghiêm trọng nhất tại các cửa hàng tạp hóa, nơi người tiêu dùng đang phải đối mặt với giá trứng tăng vọt (nếu họ đủ may mắn để tìm thấy bất kỳ quả trứng nào) do dịch cúm gia cầm bùng phát trên toàn quốc. 

Và bất chấp lời hứa tăng nguồn cung để hạ giá xăng, người Mỹ đang phải trả thêm bốn xu cho một gallon nhiên liệu thông thường so với khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, theo dữ liệu của AAA. Không có gì ngạc nhiên khi người dân Mỹ không hài lòng.

Một cuộc thăm dò mới của CNN cho thấy, 62% người Mỹ cảm thấy ông Trump chưa hành động đủ để giải quyết vấn đề lạm phát. Còn theo một cuộc thăm dò của tổ chức Pew Research được công bố vào ngày 20/2, gần như cùng một tỷ lệ người Mỹ coi lạm phát là "một vấn đề rất lớn".

Thực tế về việc không thể đảo chiều lạm phát trong một sớm một chiều như lời hứa đã được chính quyền Trump chấp nhận. Phó Tổng thống JD Vance đã phải thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn của CBS News vào tháng trước rằng: "Thành Rome không được xây dựng trong một ngày. Người tiêu dùng sẽ thấy giá thấp hơn tại các trạm xăng và cửa hàng tạp hóa, nhưng sẽ mất một chút thời gian".

Giá cả hàng hoá vẫn chưa quay đầu giảm một tháng từ ngày ông Trump nhậm chức 

Vance qua đó cũng “nói đỡ” cho ông Trump khi nhấn mạnh rằng trừ khi có các sự kiện bất ngờ như đại dịch toàn cầu, nền kinh tế không có xu hướng đảo ngược đáng kể trong một đêm. Và trên thực tế, nếu giá cả thực sự giảm nhanh như Trump đã hứa, thì có khả năng nền kinh tế sẽ gặp phải những vấn đề lớn hơn.

Cách tiếp cận khác mà ông Trump đang sử dụng khi được hỏi tại sao giá cả không giảm là đổ lỗi cho người tiền nhiệm Joe Biden.

"Nếu Joe Biden chỉ đơn giản giữ chi tiêu liên bang ở mức trước đại dịch mà chúng ta đã có vào năm 2019, thì hiện tại, chúng ta sẽ hầu như không có lạm phát" – ông Trump cáo buộc.

Trong khi đó, thuộc cấp của ông Trump thì ra sức trấn an: Nhưng đừng lo: "Chúng tôi đang giải quyết vấn đề lạm phát" - nhà kinh tế hàng đầu của Trump - Kevin Hassett, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia đã nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 20/2.

Hassett qua đó cũng tiết lộ kế hoạch chống lạm phát ở mọi cấp độ của chính quyền ông Trump bao gồm việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ và "những thứ liên quan đến nguồn cung". Ông Trump đã vạch ra một kế hoạch giảm lạm phát bao gồm sự kết hợp giữa cắt giảm thuế, tăng cường hợp đồng cho thuê khoan năng lượng và tinh giản bộ máy để cắt giảm chi tiêu (và có lẽ, chia sẻ một số điều đó trực tiếp với người nộp thuế).

Nhưng việc cắt giảm thuế có thể làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ của Mỹ và đẩy chi phí đi vay lên cao hơn nữa, trong khi các công ty năng lượng không muốn khoan khai thác năng lượng nhiều hơn trong khi nhu cầu giảm và việc viết séc kích thích có thể làm nền kinh tế trở nên quá nóng và thổi bùng lại lạm phát.

Các chuyên gia nhận định phải có một thời gian để thấy tác động của chính sách kinh tế của tổng thống Donald Trump

Cần một thời gian để thấy tác động

Người phát ngôn Nhà Trắng - Kush Desai đã bảo vệ lời hứa của Trump về việc hạ giá ngay lập tức khi nói với CNN rằng "trong vòng vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã thực hiện hành động hành pháp ngay lập tức để mang lại sự cứu trợ kinh tế cho người dân Mỹ bình thường bằng cách giải phóng năng lượng của Mỹ, cắt giảm các quy định tốn kém và kiểm soát chi tiêu của chính phủ". 

Nhìn chung, hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý: Một tháng không phải là khoảng thời gian có ý nghĩa để đánh giá nền kinh tế của một quốc gia đang tiến triển như thế nào. Thay vào đó, họ có xu hướng thích phân tích dữ liệu của nhiều tháng để loại bỏ những thay đổi trong một tháng khỏi các xu hướng kéo dài hơn.

Tương tự như vậy, sẽ hợp lý khi đợi nhiều tháng trước khi đánh giá liệu các chính sách của Trump có tác động tích cực hay tiêu cực đến lạm phát hay không. Xét cho cùng, phải mất hơn hai năm để lạm phát hạ nhiệt từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ là hơn 9% vào năm 2022 xuống mức hiện chỉ cách mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (FED).

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump giảm nhẹ khi người Mỹ lo lắng về chính sách kinh tế
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang