(CAO) Hôm 19/2, BBC đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích chính quyền Ukraine sau khi tổng thống nước này – ông Volodymyr Zelensky cho biết ông "bất ngờ" khi đất nước ông không được mời tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Ả Rập Saudi để chấm dứt chiến tranh Ukraine.
Đáp lại, ông Trump cho biết ông "thất vọng" trước phản ứng của Ukraine và nói rằng đất nước này "có thể đạt được thỏa thuận" để chấm dứt chiến tranh.
Bình luận của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga - Sergei Lavrov cho hay nước ông sẽ không chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình từ các nước thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện diện ở Ukraine theo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, sau các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Ả Rập Saudi.
Nga và Mỹ thông tin, họ đã nhất trí chỉ định các nhóm để bắt đầu đàm phán chấm dứt chiến tranh.
Phát biểu với các phóng viên tại Mar-a-Lago, khi được truyền thông hỏi rằng ông muốn gửi thông điệp gì tới những người Ukraine vào lúc này? Ông Trump đã chia sẻ rằng: "Tôi nghe nói rằng họ đang buồn vì không có ghế (trong cuộc đàm phán), họ đã có ghế trong ba năm và rất lâu trước đó. Vấn đề này có thể được giải quyết rất dễ dàng".
Sau cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Nga tại Ả Rập Xê Út, Trump nói, ông "tự tin hơn nhiều". "Họ rất tốt. Nga muốn làm điều gì đó. Tôi nghĩ tôi có đủ sức mạnh để chấm dứt cuộc chiến này".
Khi được hỏi về viễn cảnh các nước châu Âu gửi quân tới Ukraine, ông Trump nhấn mạnh: "Nếu họ muốn làm điều đó, thì thật tuyệt, tôi hoàn toàn ủng hộ".

Các quan chức Nga - Mỹ đàm phán tại Ả Rập Xê Út - Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
Cuộc họp tại Riyadh là lần đầu tiên kể từ khi Nga tấn công Ukraine, các phái đoàn Nga và Mỹ được biết là đã gặp mặt trực tiếp công khai trước công chúng.
Tại các cuộc hội đàm ở Ả Rập Xê Út có đặc phái viên Trung Đông của Mỹ Steve Witkoff và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz cũng như trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov và người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia của Nga, Kirill Dmitriev.
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết Moscow sẽ không chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình từ các quốc gia NATO hiện diện tại Ukraine theo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
"Bất kỳ sự xuất hiện nào của lực lượng vũ trang dưới một lá cờ khác đều không thay đổi được điều gì. Tất nhiên là hoàn toàn không thể chấp nhận được" - ông nhấn mạnh.
Theo ông Lavrov, Mỹ và Nga sẽ bổ nhiệm đại sứ tại quốc gia của nhau sớm nhất có thể và tạo điều kiện để "khôi phục hoàn toàn hợp tác".
"Đó là một cuộc trò chuyện rất hữu ích. Chúng tôi đã lắng nghe nhau" - ông nói.
Ông nhắc lại lập trường trước đây của Nga rằng bất kỳ sự mở rộng nào của liên minh phòng thủ NATO - và việc Ukraine tham gia vào liên minh này sẽ là "mối đe dọa trực tiếp" đối với Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho rằng ông "tin chắc" Nga "sẵn sàng bắt đầu tham gia vào một quá trình nghiêm túc" để chấm dứt xung đột.

Tổng thống Ukriane - Volodymr Zelensky bày tỏ thất vọng khi Ukraine bị "gạt ra" trong cuộc đàm phán Mỹ - Nga về tương lai của chính đất nước ông - Ảnh: Getty
"Phải có những nhượng bộ từ tất cả các bên. Chúng tôi sẽ không xác định trước những nhượng bộ đó là gì. Hôm nay là bước đầu tiên của một hành trình dài và khó khăn, nhưng là một hành trình quan trọng" - ông nói thêm.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tổ chức một cuộc họp được sắp xếp vội vã tại Paris vào ngày 17/2 để thảo luận về phản ứng của họ đối với sự xích lại gần như rõ ràng giữa Nga và Mỹ dưới thời Tổng thống Trump dù hai bên không nhất trí về một lập trường thống nhất.
Thủ tướng Anh - Keir Starmer cho biết bất kỳ thỏa thuận nào về Ukraine cũng sẽ yêu cầu "sự bảo vệ của Mỹ" để ngăn chặn Nga tấn công nước láng giềng một lần nữa và cho biết ông sẽ cân nhắc triển khai quân đội Anh đến Ukraine.
Nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định, việc thảo luận về việc gửi quân đến Ukraine vào thời điểm hiện tại là "hoàn toàn vội vã".
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng cho biết ông không có ý định gửi quân, và Giorgia Meloni của Ý - nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất tham dự lễ nhậm chức của Trump - đã bày tỏ sự nghi ngờ về ý tưởng này.
Bà Meloni nói với cuộc họp tại Paris rằng việc triển khai quân đội châu Âu sẽ là "cách phức tạp nhất và kém hiệu quả nhất" để đảm bảo hòa bình ở Ukraine.
Trong khi đó, tổng thống Ukriane - Volodymr Zelensky đã bày tỏ sự thất vọng của ông ở Thổ Nhĩ Kỳ khi nước ông không được mời tham dự đàm phán Nga - Mỹ về chiến tranh ở Ukraine.
(CAO) Hôm 18/2, Reuters đưa tin các nhà lãnh đạo Châu Âu họp khẩn cấp tại Paris vào ngày 17/2 đã kêu gọi tăng chi tiêu để tăng cường năng lực phòng thủ của châu lục nhưng vẫn chia rẽ về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine để hỗ trợ thỏa thuận hòa bình trong tương lai.