(CAO) Hôm 24-10, Reuters dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục thực thi kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987 bất chấp sự phản đối của Nga và một số nước Châu Âu.
INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev ký ngày 8-12-1987 trong đó cấm hai bên triển khai các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn trên đất liền có tầm bắn từ 500 - 1.000 km và các tên lửa tầm trung tầm bắn từ 1.000 đến dưới 5.500 km.
Tuy nhiên Trump cáo buộc Nga thời gian qua đã vi phạm INF khi triển khai các loại tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn đến các nước Châu Âu, đồng minh của Mỹ.
Bolton đưa ra tuyên bố trên sau khi có cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow.
Cố vấn Bolton (phải) và tổng thống Nga Putin - Ảnh: Reuters
Reuters đưa tin sau cuộc gặp 90 phút giữa hai bên, Nga – Mỹ đồng thuận tổ chức thêm cuộc gặp giữa Trump và Putin ở Paris vào tháng sau. Tuy nhiên 2 bên không có đột phá nào mới.
Mỹ vẫn nhất quyết rút khỏi INF trong khi Nga cảnh báo hành động này là bước đi nguy hiểm. Các nước Châu Âu cũng cho rằng rút khỏi INF sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang như thời Chiến Tranh Lạnh.
Nói với các phóng viên ngay tại Moscow, Bolton thẳng thừng chỉ trích: “Vấn đề ở đây là Nga đã vi phạm các quy định của INF ở Châu Âu. Mối đe doạ không đến từ việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này mà từ các tên lửa Nga đang sẵn sàng được triển khai”.
Trong khi hai ông lớn Nga – Mỹ đang tranh cãi về INF, các nước Châu Âu lại là bên lo ngại nhất vì họ đang hưởng lợi từ hiệp tước này.
Không có hiệp ước, các nước Châu Âu lo sợ Mỹ sẽ triển khai lại tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân còn Nga sẽ triển khai tên lửa ở Kaliningrad, phần lãnh thổ của nước này lọt thỏm ở Châu Âu để đối phó. Điều này có thể biến châu lục này thành một bãi chiến trường hạt nhân.