Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về Thái Lan sau 15 năm

Thứ Ba, 22/08/2023 11:29  | Anh Duy

|

​(CAO) Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan, đã trở về nước lần đầu tiên hôm 22-8 sau hơn 15 năm sống ở nước ngoài.

Sự trở về của ông diễn ra vào thời điểm bối cảnh chính trị của Thái Lan đang sắp có thủ tướng mới.

Thaksin, người từng là chủ sở hữu cũ của Câu lạc bộ bóng đá Manchester City, là thủ tướng từ năm 2001 cho đến khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006 khi đang ở New York tham dự một cuộc họp của Liên hợp quốc.

Ông trở lại Thái Lan một thời gian ngắn trước khi rời khỏi đất nước vào năm 2008 vì bị kết án tham nhũng và có thể phải đối mặt với án tù 10 năm.

Sự trở lại của Thaksin sau nhiều năm trùng hợp với một cuộc bỏ phiếu dự kiến ​​tại quốc hội để bầu ra thủ tướng mới, với các nhà lập pháp hy vọng phá vỡ thế bế tắc chính trị hơn ba tháng sau khi cuộc bầu cử giành chiến thắng thuộc về một đảng cấp tiến được lòng người dân.

Trong nhiều tuần, Thaksin, 74 tuổi, đã bóng gió về việc ông sẽ trở về quê hương nhưng dấu hiệu thực sự đầu tiên đến vào sáng 22-8 khi các video cho thấy em gái ông là Yingluck Shinawatra, người cũng sống ở nước ngoài, ôm anh trai trước khi anh mình lên máy bay ở Singapore.

Hàng nghìn người đã theo dõi chuyến bay của ông khi máy bay riêng của Thaksin hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Don Mueang ở Bangkok lúc 9 giờ sáng giờ địa phương. Ông rời nhà ga máy bay riêng của sân bay khoảng 90 phút sau cùng với các con và chào đám đông người ủng hộ trước khi cúi đầu trước bức chân dung của nhà vua Thái Lan.

Con gái của ông Thaksin, Paetongtarn sau đó đã đăng bức ảnh cha cô gặp cháu gái sơ sinh của mình lần đầu tiên. Cựu thủ tướng sau đó rời đi trên một chiếc xe của cảnh sát, hướng tới Tòa án Tối cao.

Với các chính sách dân túy thu hút tầng lớp lao động và nông thôn Thái Lan, Thaksin đã tạo ra một thế lực chính trị có ảnh hưởng lớn ở Thái Lan trong 20 năm qua.

Đảng Pheu Thai do Thaksin hậu thuẫn, đứng thứ hai trong cuộc bầu cử vào tháng 5 vừa qua, sẽ đề cử người lãnh đạo tiếp theo của đất nước vào ngày 22-8: ông Srettha Thavisin, một nhà đầu tư bất động sản.

Trong một màn xuất hiện đầy ấn tượng, Pheu Thai hôm 21-8 đã đạt được thỏa thuận với giới quân đội trong nỗ lực đảm bảo đủ số phiếu bầu trong quốc hội để thành lập chính phủ.

Mặc dù chiến dịch bầu cử của họ bao gồm việc loại bỏ quyền lực của quân đội, nhưng liên minh 11 đảng của họ bao gồm cả các đảng được quân đội hậu thuẫn là Palang Pracharath và Đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất.

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra về Bangkok hôm 22-8 

Lãnh đạo Đảng Pheu Thai Cholnan Srikaew cho biết trong một tuyên bố hôm 21-8 rằng liên minh sẽ không bao gồm đảng Move Forward (Tiến bước) - đảng giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử.

Move Forward đã giành chiến thắng trên nền tảng thay đổi triệt để và đã cam kết thực hiện cải cách hoàng gia - một chủ đề cấm kỵ ở Thái Lan, nơi mà bất kỳ cuộc thảo luận thẳng thắn nào về chế độ quân chủ đều có nguy cơ bị bỏ tù vì luật khi quân nghiêm khắc, được gọi là Điều 112.

Thaksin Shinawatra là ai?

Chính trong bầu không khí chính trị này mà sự trở lại của ông Thaksin giờ đây đã bổ sung thêm những bất ngờ mới. Là một tỷ phú ngành viễn thông, Thaksin lên nắm quyền sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2001.

Ông trở nên cực kỳ nổi tiếng với người nghèo ở nông thôn nhờ những lời đề nghị chăm sóc y tế giá cả phải chăng, giảm nợ và và cuối cùng các doanh nghiệp cũng có thiện cảm với ông, phần lớn là do thương hiệu “Thaksinomics” – một chính sách về kinh tế của ông đã mở ra một kỷ nguyên thành công về kinh tế.

Các chính sách, bao gồm các khoản cho vay và tạm hoãn nợ cho nông dân cũng như trợ cấp giá nhiên liệu và khả năng tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, nhằm vào người dân vùng nông thôn Thái Lan, những người chiếm phần lớn dân số cả nước - nhưng lại gây ra sự khó chịu đối với giới thượng lưu giàu có của đất nước, những người bảo thủ cáo buộc Thaksin là một người theo chủ nghĩa dân túy nguy hiểm và tham nhũng.

Năm 2006, Thaksin bị lật đổ và đối mặt với án tù vì tội tham nhũng, ông phải ra nước ngoài sinh sống. Em gái của Thaksin là Yingluck đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước vào năm 2011 - nhưng bà đã bị cách chức vào năm 2014 sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết rằng bà đã lạm dụng chức vụ. Bà Yingluck sau đó cũng theo Thaksin ra sống ở nước ngoài.

Việc trở lại Thái Lan của ông Thaksin sau nhiều năm sống ở nước ngoài đã gây ra nhiều bất ngờ 

Paetongtarn, con gái của Thaksin, bước lên vũ đài chính trị năm nay, được đảng Pheu Thai chọn là một trong ba ứng cử viên thủ tướng cho cuộc bầu cử tháng 5 – trước khi đảng Tiến lên giành chiến thắng bất ngờ.

Các nhà quan sát chính trị đã suy đoán rằng Thaksin có thể đã đạt được một thỏa thuận nào đó với chính quyền Thái Lan để ông có thể trở về, căn cứ vào các bản án và cáo buộc chống lại ông.

Thaksin vẫn nhận được sự ủng hộ vững chắc từ những người ủng hộ có thể ăn mừng việc ông trở về quê hương - nhưng cũng có nhiều người chỉ trích ông, chỉ ra cáo buộc tham nhũng, khối tài sản lớn và phong cách độc đoán của ông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang