Đằng sau đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Ấn

Thứ Năm, 01/10/2015 15:24  | Thanh Phong

|

(CAO) Hôm 30-9 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Ấn Độ trong cuộc gặp cấp bộ trưởng ba bên đầu tiên bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York.

Không ai hồ nghi về bước tiến đáng kể từ sự kiện này. Trong khi Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc gặp cấp trợ lý ngoại trưởng vài năm qua, cuôc họp giữa các bộ trưởng lần này cho thấy mức độ đối thoại ba bên đã được chính thức nâng lên.

Điều đó minh chứng cho vai trò ngày càng tăng của cả ba nền dân chủ - đại diện cho một phần tư dân số và khả năng sản xuất kinh tế của thế giới. Như ông Kerry ám chỉ với báo giới trước cuộc gặp, ba yếu tố: sự tái cân bằng tới châu Á – Thái Bình dương của Mỹ dưới thời chính quyền Obama, chính sách Hành Động Hướng Đông mới của Ấn Độ thời Thủ tướng Narendra Modi và việc hồi sinh vai trò “nhà cung cấp hoà bình tích cực” của Nhật dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, là những chính sách mạnh mẽ cho thấy tầm quan trọng của ba nước gắn với khu vực.

 Tàu Ấn Độ, Nhật và Mỹ tham gia cuộc tập trận Malabar năm 2009

“Kiềng ba chân” này gần đây cũng được củng cố bằng chuyển hướng tích cực trong mối quan hệ Mỹ - Ấn, Mỹ-Nhật và Ấn-Nhật trong năm qua. Chính hội nghị bộ trưởng cũng cấp một nơi cho các bên tiến tới một loạt vấn đề quan trọng về an ninh, kinh tế và ngoại giao.

Về an ninh hàng hải, đáng chú ý là cả ba nước đã tăng cường các nỗ lực thúc đẩy khả năng của từng quốc gia Đông Nam Á để giải quyết nhiều thách thức khác nhau, trong đó nổi bật là thách thức đưa ra từ tính quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhưng chương trình nghị sự lớn trong hội nghị này là sự tham gia của Nhật vào cuộc diễn tập MALABAR năm nay, ban đầu chỉ là cuộc diễn tập song phương Mỹ - Ấn.

Về các vấn đề kinh tế, sự hợp tác gặp nhiều thách thức hơn. Trong ba nước, kinh tế Ấn Độ vẫn còn khá cọc cạch và họ chưa phải là một thành viên của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái bình dương (APEC) và chưa hội đủ các điều kiện là thành viên của Đối tác Xuyên Thái Bình dương (TPP).

Tuy nhiên, hội nghị đã thực hiện được ít nhất một cố gắng để thúc đẩy tiến trình này. Ba bộ trưởng đã lập một nhóm cấp chuyên gia để xác định những nỗ lực hợp tác về kết nối khu vực, một vấn đề quan trọng bên trong hội nhập kinh tế khu vực nói chung và cho ASEAN nói riêng.

Về mặt ngoại giao, cả ba nước đều là thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, các đối tác đối thoại của ASEAN, và là các bên liên quan trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông.

Có một điều bất ngờ là các tuyên bố chung sau đó cả ba bên đều ghi nhận vai trò trung tâm của ASEAN và nhấn mạnh tấm quan trọng của luật pháp quốc tế, tự do hàng hải - hàng không và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang