(CAO) Báo chí Pháp đăng tải lên trang nhất vẻ tức giận của Tổng thống Nga Putin đối với Mỹ và Pháp. Tại Liên Hiệp Quốc tổng thống François Hollande đã lên tiếng công bố cuộc không kích Syria vào đêm ngày chủ nhật 27-09-2015, ngay trong thời điểm đang xảy ra hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc và kêu gọi Bachard al-Assad phải "từ bỏ quyền lực".
Putin tuyên bố: "Tôi có một sự tôn trọng lớn nhất đối với những nhà lãnh đạo đồng cấp với tôi tại Mỹ và Pháp, nhưng họ không phải là công dân nước Syria và không thể tham gia vào sự lựa chọn người lãnh đạo của một quốc gia khác".
Báo chí Pháp cho rằng, sau cuộc họp song phương cả Nga và Mỹ đều không tìm ra một "mảnh đất chung" để quyết định chống lại lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" và số phận cá nhân Bachard al-Assad. Nga vẫn đứng trên quan điểm, kết hợp Iran và chính phủ Syria al-Assad chống lại lực lượng khủng bố IS.
Tổng thống Pháp François Hollande vẫn cương quyết cho rằng "Người ta không thể kết hợp hành động chung giữa nạn nhân và người đao phủ. Assad là nguyên nhân của vấn đề Syria và không thể là một thành phần của một giải đáp." Ông Hollande cũng không loại trừ khả năng sẽ thiết lập một "vùng cấm bay"(no-fly-zone), với sự đề nghị của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và ông Khaled Khoja thủ lĩnh đối lập chống lại Bachard al-Assad. Tuy nhiên, việc thực hiện "vùng cấm bay" (no-fly-zone) ra sao thì vẫn còn là một vấn đề chưa được đưa ra một cách cụ thể.
Ngược lại, truyền thông Đức có một nhận định khác biệt với báo chí Pháp. Họ chạy tít: "Họ nói chuyện với nhau - và thế giới nuôi hy vọng", để nói lên tầm quan trọng của hai thế lực nhất thế giới.
Báo chí Đức bình luận cuộc gặp gỡ lịch sử của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 28-09-2015 tại New York, bên lề cuộc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 70 của Liên Hiệp Quốc trong một trạng thái khá căng thẳng.
Phiên họp dành đúng 45 phút cho chủ đề Ukraina, và đúng 45 phút cho chủ đề Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng hiện tại chỉ có ông Bachard al-Assad là có khả năng lãnh đạo chống lại lực lượng "nhà nước Hồi giáo tự xưng".
Sau buổi họp, tổng thống Nga tuyên bố - đơn phương trước báo chí - một cách dè dặt nhưng tích cực là "Câu chuyện của chúng tôi ngày hôm nay là rất xây dựng, cụ thể và cũng rất rõ ràng, thẳng thắn."
Putin không nhắc lại những quan điểm khác biệt giữa hai thế đứng của Nga và Mỹ nhưng ông thận trọng tuyên bố "Tôi tin rằng, dù vậy có một con đường - mà chúng ta đang đối diện - để giải quyết chung các vấn đề."
Con đường chung đó ra sao? Nhất là trong vấn đề Syria và số mệnh của Bachard al-Assad?
Trước cuộc họp song phương, tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn trước tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc. Với những lời đanh thép và vẻ mặt nghiêm trọng, Obama chỉ mặt điểm tên tổng thống đương nhiệm của Syria, ông Bachard al-Assad là một "nhà độc tài tàn ác", có nghĩa là Mỹ và đồng minh không thay đổi quan điểm và cương quyết loại trừ cá nhân ông Bachard al-Assad.
Tổng thống Mỹ Barack Obama lại cho rằng ông Bachard al-Assad là một nhà lãnh đạo độc tài tàn ác.
Một tiếng đồng hồ sau, Tổng thống Nga Putin tuyên bố trong bài diễn văn đọc trước hội nghị Liên Hiệp Quốc rằng " Chúng tôi cho rằng đó là một lỗi lầm rất to lớn, (nếu) không chấp nhận một sự hợp tác với chính phủ Syria ", dù ông Putin không nêu danh Bachard al-Assad.
Các nhà báo và các nhà ngoại giao đều "lắng nghe" một giải pháp chung cho Syria và "thầm thì" khả năng có thể xảy ra. Người ta nói về một giải pháp "ngắn hạn và trung hạn" đối với số mạng của Bachard al-Assad. Tuy nhiên, giải pháp cho quốc gia Syria còn vượt lên trên số mạng của ông Bachard al-Assad, nên tạm thời vấn đề "nhân sự al-Assad" có thể tạm thời được xếp qua một bên.
"Nói riêng" giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga
Sự xếp đặt ghế ngồi trong bữa ăn trưa cũng là một sự việc có tính toán kỹ lưỡng. Tổng thống Mỹ Obama được xếp ngồi bên phải của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, tổng thống Nga Putin ngồi bên tay trái. Nhưng bất ngờ, khi ông Ban Ki Moon đứng dậy, đi ra khỏi chỗ ngồi để đọc lời chúc mừng ăn trưa, thì...Nga và Mỹ "phải" cụng ly với nhau.
Tổng thống Mỹ và tổng thống Nga cụng ly (điều mà tất cả các báo chí đều đặt câu hỏi và chờ đợi rằng họ sẽ cụng ly hay không cụng ly với nhau) trong bữa ăn trưa, ngay sau cuộc hội nghị song phương tại New York ngày thứ hai 28-09-2015
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, ông Frank-Walter-Steinmeier, bình luận rằng, sự kiện Syria tùy thuộc vào thái độ và thế đứng của Nga và Mỹ, đó mới chính là cơ bản, còn sự tham dự của những nước khác chỉ là những "vỏ ngoài của củ hành".
Lịch sự trong bữa ăn trưa. Hàng cận vệ của hai vị tổng thống đứng sát sau lưng. Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ nghiêm trọng. Mọi người cùng nâng ly trước khi bắt đầu bữa ăn.
Sự nhận thức của cả hai cường quốc Nga và Mỹ trong vấn đề Syria là chỉ có một giải pháp chung có sự đồng thuận của Nga và Mỹ mới giải quyết được cái nút thắt "Syria" đã là một bước tiến lớn, sau một thời gian "lạnh" của Nga và Mỹ với nhau. Cuộc nói chuyện song phương của Obama và Putin, cộng với sự đúc kết của 12 vị cố vấn chiến lược chính trị và quân sự của hai bên, đã mở ra cho tầng lớp ngoại giao Nga, Mỹ những cuộc đối thoại kế tiếp.
Một cái bắt tay rất chặt, sau khi cả hai tổng thống đều đã đọc diễn văn đọ sức trước Liên Hiệp Quốc
Mới thấy, trong thời đại của chúng ta, ở thế kỷ thứ XXI thì vận mệnh của một quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào bối cảnh chung của thế giới và các thế lực quân sự thế giới.
Tổng thống Nga và tổng thống Mỹ gặp nhau song phương bên lề cuộc hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc lần thứ 70 tại New York, nhưng hai vị đều được phụ tá mỗi bên bởi 6 vị cố vấn đặc biệt, họ đúc kết những quan điểm trao đổi để tiến hành tiếp tục các cuộc đàm thoại ở cấp ngoại giao.