(CAO) Trong cuộc họp các nhà lãnh đạo châu Âu tại Bruxelles vào ngày 23-09-2015, nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã làm cả thế giới chính trị tại châu Âu ngạc nhiên khi bà tuyên bố là phải có đối thoại với Tổng thống Syria, Bachar al-Assad về vấn đề người di tản Syria.
Bà Angela Merkel nói rằng cuộc khủng hoảng này có nhiều "diễn viên" (đối tác) tham dự cho nên không thể chỉ có cuộc nói chuyện với các nước Mỹ, Nga mà còn phải có thương thuyết với các quốc gia quan trọng trong khu vực Trung Đông như nước Iran, những quốc gia có đa số dân tộc sunnite như nước Arab Saudi (Ả rập xê-út), và trong đó tất nhiên có cả nước Syria.
Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Junker và Tổng thống Pháp, Francois Hollande thảo luận trong bàn hội nghị các nhà lãnh đạo của 28 nước thành viên khối Liên minh châu Âu tại Bruxelles hôm 23-09-2015 - Ảnh: Reuters.
Báo chí Đức đánh giá nhận định mới này của Thủ tướng Đức là một sự thay đổi tầm nhìn chiến lược chính trị quan trọng, vì cho đến nay nước Mỹ không muốn có đối thoại với chính phủ đương nhiệm của Syria, họ cho rằng ông này là một nhà độc tài, chính phủ al-Assad phải bị lật đổ. Trong khi đó, nước Nga vẫn kiên quyết ủng hộ chính phủ Bachar al-Assad.
Tuy nhiên, thái độ của Tổng thống Pháp, Francois Hollande tỏ ra cương quyết. Ông Hollande tuyên bố: "Tương lai của nước Syria không thể có với Bachar al-Assad. Một cuộc chuyển biến chỉ có thể thành công với sự ra đi của ông ấy."
Tổng thống Bachard al-Assad của Syria được nước Nga ủng hộ
Trước đó, vào ngày 22-09-2015, trong chuyến viếng thăm nước Anh, tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp gỡ thủ tướng Anh David Cameron, và trong vấn đề Syria, ông cho rằng có một sự "cần thiết để thúc đẩy sự diễn biến chính trị tại Syria", trong bối cảnh nước này vừa được Nga viện trợ vũ khí và máy bay chiến đấu.
Trong một bản tuyên cáo chung của 28 nhà lãnh đạo quốc gia châu Âu được công bố vào tối ngày 23-09-2015, khối Liên minh châu Âu kêu gọi một sự "cố gắng quốc tế lãnh đạo bởi Liên Hiệp Quốc để chấm dứt chiên tranh tại Syria đã gây ra bao nhiêu là đau khổ và khiến cho gần 12 triệu người dân phải bỏ nhà cửa đi di tản", đồng thời hứa hẹn sẽ giúp đỡ trong mục đích thành lập một chính phủ liên kết quốc gia tại Libya.
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhận định hai nguyên nhân chính của làn sóng người di tản lịch sử này là thứ nhất, cuộc chiến tranh giữa chính phủ Bachard al-Assad và thế lực Nhà nước Hồi giáo trên đất Syria, và thứ hai, tình trạng giúp đỡ cứu nạn quá sức thiếu thốn, yếu kém tại các trung tâm tập trung người di tản tại các quốc gia Trung Đông, đã là động lực thúc đẩy hàng trăm ngàn người, dù bị nguy hiểm đến tính mạng, lên đường tìm sự sống ở châu Âu.
Các báo chí châu Âu đều dự kiến là trong năm 2015 sẽ có khoảng 1 triệu người di tản chuyển động về hướng châu Âu.
Trong cuộc họp tại cấp bộ trưởng Bộ Nội vụ châu Âu vào ngày 22-09-2015 một quyết định phân phối tỷ lệ của 120.000 người di tản Trung Đông đã được thống nhất tại bàn hội nghị, để giải quyết tình trạng quá tải của hai nước Hy Lạp và Ý.
Bốn quốc gia chống lại tỷ lệ phần phối là Cộng hoà Séc, Slovakia , Hungary và Romania, riêng Phần Lan (Finnland) bỏ phiếu trắng.
Nước Đức chấp thuận thu nhận một con số là 31.000 người di tản trong số 120.000 người này. Tuy nhiên, con số 120.000 được đưa ra trên bàn hội nghị hôm qua không phải là một con số sát với tình hình thực tế đang diễn ra. Số người đi di tản tăng lên mỗi ngày, các biện pháp chống đối họ ngày càng gắt gao hơn, nhưng cũng không giải quyết được tình trạng người di tản Trung Đông tìm mọi phương cách vào châu Âu.
Quyết định của hội đồng bộ trưởng Bộ Nội vụ châu Âu còn phải được chấp thuận bởi hội đồng các nhà lãnh đạo quốc gia trong phiên họp ngày 23-09-2015, tại Bruxelles.
Công việc phân phối, chuyên chở người di tản theo tỷ lệ đã được quyết định chưa có phương án cụ thể, nhất là đối với các quốc gia đang phản ứng quyết liệt tại Đông Âu.