Croatia bất ngờ chặn làn sóng di tản lại

Thứ Sáu, 18/09/2015 07:33  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Chính phủ Croatia không ngờ là làn sóng di tản tràn đến như sóng nước vỡ bờ. Đã có 7.300 người di tản đã vào được đất Croatia. Tình hình di tản biến động từng ngày. Khả năng tiếp đón không đủ sức, nên bộ trưởng bộ Nội vụ Croatia, ông Ranko Ostojic, tuyên bố là Croatia đã quá tải, không thể thâu nhận thêm được người di tản nữa

Địa điểm biên giới Tovanik của Croatia trở thành điểm nóng, người di tản tranh nhau đi tiếp về hướng thủ đô Zagreb của Croatia.

Bộ trưởng bộ Y tế Croatia Sinisa Varga lo ngại trong những ngày sắp đến sẽ có khoảng 20.000 người di tản vào cửa ngõ Croatia.

Không thể để tình trạng di tản này kéo dài đến cuối năm 2015, nhưng bằng cách nào ngăn chặn được làn sóng di tản, và bằng cách nào phân phối tổng số người di tản đi tạm trú/định cư ở nhiều quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu đang trở thành một bài toán hóc búa mà rất khẩn cấp.

Chủ tịch hội đồng cố vấn khối Liên minh châu Âu Donald Tusk triệu tập một phiên họp không chính thức các nhà lãnh đạo các nước châu Âu vào thứ tư tuần tới, ngày 23-09-2015, để tìm những giải pháp cho vấn đề di tản.

Ba trọng tâm chính là: Làm thế nào để ổn định những quốc gia có người đi di tản? Làm thế nào có nguồn tài chánh để tổ chức những trại tập trung người di tản tại Thổ Nhĩ Kỳ, Libanon (Li-băng) và Jordanie (Jordan)? Và trọng tâm thứ ba là thảo luận về ý kiến của Chủ tịch cơ quan quản lý khối Liên minh châu Âu Jean-Claude Juncker đòi hỏi phải phân phối người di tản theo một tỷ lệ cố định đã được bàn thảo và chấp thuận.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Áo Werner Faymann bàn thảo song phương.

Trước đó, dự kiến ngày 22-09-2015 sẽ có một phiên họp các Bộ trưởng bộ Nội vụ để bàn về các giải pháp thực tế để giải quyết vấn đề.

Sau buổi họp ở tầng lớp Đại sứ của 6 quốc gia lớn nhất khối Liên minh châu Âu tại Bruxelles vào ngày 16-09-2015 vừa qua, Ba Lan ngỏ ý sẽ thâu nhận 9.200 người di tản theo phương cách tình nguyện, không muốn bị áp đặt một tỷ lệ.

Tình trạng hiện nay là các nước Hy Lạp, Serbia, Croatia, Áo và Đức đang bị động vì làn sóng người di tản đến ồ ạt ngoài khả năng dự kiến, dù các quốc gia này muốn giúp đỡ.

Cái khó lớn hơn nữa là hầu hết những người di tản đều muốn ở lại sinh sống định cư tại Đức.

Nhưng có lẽ họ chưa hiểu, hay không muốn hiểu, là một số người sẽ được phân phối đi định cư ở những nước khác, sự lựa chọn không chỉ tùy thuộc vào ý muốn của người di tản.

Tình hình căng thẳng đang diễn ra ở Croatia vì người di tản muốn đi ngay, đi nhanh đến Đức, mà các quốc gia như Croatia, Slovenia, Áo và Đức không thể chỉ hoàn toàn "chiều" theo ý muốn của họ được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang