Phản ứng của Đông Âu về dòng người di tản

Thứ Sáu, 04/09/2015 18:31  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Cũng như Hungary không muốn ngăn cản người di tản từ Syria đến Đức, ngày 02-09-2105, chính phủ Cộng hoà Séc (CH Séc) cho phép họ sử dụng tàu hoả để vào Đức. 

Những người di tản này di chuyển bằng xe lửa từ Áo, Hungary, đến CH Séc, rồi từ đây đi thẳng sang Đức.

Vấn đề đặt ra ở đây, là không phải người di tản có quyền được lựa chọn nơi mình muốn đến sinh sống, mà chính các quốc gia muốn thu nhận người di tản mới có quyền quyết định họ nhận ai, bao nhiêu người và cho phép định cư ở đâu.

Trong khi đó, các cơ quan hành chánh, chính trị ở châu Âu, cụ thể là các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Anh..., rất chậm đưa ra quyết định về vấn đề di tản.

Các quốc gia này thường dựa trên thỏa thuận DUBLIN III, tức là quốc gia nào, nơi mà người di tản đặt chân đầu tiên đến, phải nhận họ, nếu người di tản tìm cách đi sang một nước thứ hai, thứ ba khác sinh sống, thì người di tản sẽ bị trục xuất trả về cho quốc gia đầu tiên đã thâu nhận.

Người di tản trên một đoàn tàu hỏa giữa Hy Lạp và Macedonia, để ngược lên các quốc gia hướng bắc.

Đó là nguyên tắc, nhưng tình hình thực tế thì khác hẳn.

Luồng người di tản theo đường biển Địa Trung Hải, hay đường bộ Balkan để đến các nước như Hy Lạp, Ý và Hungary trước, nhưng sau đó họ tiếp tục ngược lên phía bắc để đến Đức, hoặc Anh, hai quốc gia được họ yêu thích lựa chọn. Vì thế mới xảy ra tình trạng nóng ở các nước kế cận nước Đức, hay tại Pháp để vượt biển Manche sang nước Anh.

Các nước Đông Âu đã có những tuyên bố rõ ràng về vấn đề di tản. Ngày 04-09-2015, đã diễn ra một hội nghị của Thủ tướng các nước Đông Âu tại Prague, thủ đô của CH Séc. Các vị lãnh đạo này đã thống nhất một phương án là tạo điều kiện để cho người di tản đi ra khỏi đất nước càng sớm càng tốt, hoặc ngăn chặn ngay tại các biên giới lãnh thổ để người di tản không thể vào được.

Thủ tướng nước Hungary, ông Viktor Orbán chỉ trích quan điểm chính trị về vấn đề di tản của khối Liên minh châu Âu và cho rằng, "Đây không phải là vấn đề của châu Âu, đây là vấn đề của nước Đức. Không người di tản nào muốn ở lại Hungary, tất cả đều muốn đến Đức."

Ngoài ra, các nước Đông Âu này có nhiều lo ngại khi thu nhận những người di tản như: ngân sách trợ cấp cho người di tản, tìm công ăn việc làm, nhà ở, trường học, bảo hiểm sức khỏe, bệnh tật, vấn đề an ninh, tình báo,và cả sự khác biệt tôn giáo giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo... Một số biện pháp được đưa ra như Hungary đã thiết lập 175 cây số hàng rào kẽm gai dọc biên giới giữa Hungary và Serbie để ngăn chặn người di tản.

Thủ tướng nước Ba Lan, bà Ewa Kopacz, cũng không chấp nhận người di tản vì "lý do kinh tế", chính phủ Ba Lan tuyên bố sẽ nhận một con số người di tản do chính phủ Ba Lan ấn định, không chấp nhận một con số do Liên minh châu Âu tại Bruxelles áp đặt.

Tổng thống CH Séc, ông Milos Zeman, thuộc đảng Xã hội, tuyên bố rằng "Không ai mời những người di tản đến." Ông còn cho rằng, họ có thể nhận người di tản từ Ukraina, đó là những người thích nghi hội nhập trong xã hội mới hơn là người Hồi giáo. Theo ông Milos Zeman, những người di tản đến từ Syria chỉ là thành phần "di tản kinh tế".

Tổng thống CH Séc còn lo ngại những phần tử IS và khủng bố khác trà trộn trong người di tản. Ngày 02-09-2015, chính phủ CH Séc, tuyên bố sẽ không gửi trả những người di tản từ Syria đang bị giam giữ ở các trại tập trung về Hungary, mà sẽ để cho họ đi tiếp đến nước Đức, nơi mà họ muốn đến.

Chính phủ nước Slovakia tuyên bố rằng, họ không phải là nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng nhân đạo trên những nước ấy (Libya, Iraq và Syria), nên sẽ không chấp nhận sẽ bị áp đặt phải thu nhận và chịu trách nhiệm về những người di tản đến từ các quốc gia nói trên, những đất nước mà họ cho là khả năng hội nhập vào xã hội sở tại hầu như là tối thiểu. Chính phủ nước Slovakia cho rằng, họ đã có kinh nghiệm với người Roma, một dân tộc không thể hội nhập được. Đồng thời, nước này chỉ muốn thâu nhận những người di tản theo đạo Thiên chúa giáo.

Một người di tản đang bị một nữ cảnh sát CH Séc viết số vào tay trước khi cho lên tàu lửa sang Đức. Sự kiện này đã bị phê phán, chỉ trích, cho rằng đối xử với người di tản như đối xử với những người bị xăm số vào cổ tay, bàn tay trong các trại tập trung của Đức quốc xã khi xưa.

Tổng thống  Lithuania (Litva), bà Dalia Grybauskaite cho rằng sự áp đặt phải nhận một con số người di tản do Liên minh châu Âu ấn định là bất công và vô lý. Bà Dalia Grybauskaite cũng nhấn mạnh việc áp đặt tỷ lệ phải thu nhận không phải là phương cách giải quyết vấn đề, nước Lithuania chỉ nhận những người bị chiến tranh đe dọa mạng sống chứ không phải những người muốn sống khá hơn.

Thủ tướng nước Estonie, ông Taavi Roivas, cho rằng chỉ có thể nhận được tối đa 200 người di tản, vì lý do những trách nhiệm quá to lớn đối với họ. Bộ trưởng Bộ Xã hội chính phủ nói rõ ràng hơn là họ chỉ nhận những người di tản theo đạo Thiên chúa vì xã hội của họ là một xã hội có văn hóa Thiên chúa giáo. Bất kỳ một người di tản Hồi giáo nào đến đây đều phải bỏ khăn che mặt hay mặc Burka (áo choàng rộng che kín đầu và mặt mầu đen). Mọi người trong xã hội đều phải được nhìn rõ mặt.

Tại các nước Tây Âu vấn đề khăn che mặt hay mặc Burka luôn là một chủ đề "nóng", gây nhiều bức xúc trong dân chúng sở tại và luôn cả trong thành phần người di tản Hồi giáo. Dù nhiều nơi có luật cấm tại những nơi công cộng, nhưng trên thực tế rất khó kiểm soát, ngăn cấm hay trừng phạt, một số phụ nữ Ả Rập vẫn ăn mặc theo Hồi giáo của họ.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang