(CAO) Quan hệ giữa hai cường quốc theo hai hệ phái Hồi giáo khác nhau là Iran (với dòng Shiite chiếm đa số) và Saudi Arabia ( với dòng Sunni) đang trở nên căng thẳng hơn sau thảm họa giẫm đạp khiến ít nhất 769 người chết gần thánh địa Mecca hôm 24-9.
Buổi lễ hành hương Haji về thánh địa Mecca (Saudi Arabia) hôm 24-9 đã trở thành thảm họa khi hai nhóm hành hương lớn từ hai con đường đã nhập lại thành một đám đông ở một ngã tư trên đường đến địa điểm thực hiện một nghi lễ tôn giáo.
Số lượng người quá lớn phút chốc biến đám đông thành một tập hợp hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau. Với công tác tổ chức kém, đường chật cho số người đông đã khiến số người chết tăng vọt. Trong đó, Iran là nước có số người thiệt mạng nhiều nhất (không kể Saudi Arabia) với ít nhất 140 người. Đây là nguyên cớ làm phát sinh nhiều căng thẳng.
BBC hôm qua 27-9 dẫn lời nhà Lãnh đạo Tinh thần Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei yêu cầu chính quyền Saudi Arabia phải xin lỗi công khai khi để thảm họa giẫm đạp xảy ra. Trước đó, tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng yêu cầu mở cuộc điều tra vụ việc khi ông đang có mặt tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
Dân Iran biểu tình phản đối Saudi Arabia vì để xảy ra thảm họa giẫm đạp - Ảnh: AP
Đại giáo chủ Khamenei nhấn mạnh: “Thay vì tìm cách đổ lỗi, Saudi Arabia cần nhận trách nhiệm và lên tiếng xin lỗi người Hồi giáo và gia đình các nạn nhân”. Ông cũng đưa ra con số thống kê hơn 1.000 người chết, cao hơn nhiều so với con số hơn 700 người thiệt mạng mà phía Saudi Arabia đưa ra.
Thậm chí, Công tố viên trưởng Iran Sayed Ibrahim Raisi còn đòi đưa các thành viên trong gia đình hoàng gia Saudi ra tòa án quốc tế vì “phạm tội ác”.
Chỉ trích của Iran khiến chính quyền Riyadh “nóng mặt”. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho rằng: “đây không phải là một tình huống để chính trị hóa”.
Vì theo hai hệ phái Hồi giáo khác nhau nên Iran và Saudi Arabia bấy lâu đã mâu thuẫn nhau từ quan niệm tôn giáo đến việc bất đồng ở nhiều vấn đề quốc tế. Iran ủng hộ phiến quân người Shiite Houthi tại Yemen trong khi Mỹ và Saudi Arabia lại không kích lực lượng này. Iran ủng hộ chính quyền Assad ở Syria trong khi Saudi Arabia lại mong muốn lật đổ chế độ này…
Vì thế, cộng đồng quốc tế không lấy làm lạ khi Iran vừa kêu gọi xin lỗi vụ giẫm đạp, Saudi Arabia lại cho rằng đó là cách “chính trị hóa thảm họa” để làm mất mặt Riyadh vì thù tức.