Ba mục tiêu hành động của Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc 2015

Thứ Bảy, 26/09/2015 12:10  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc 2015 được mở đầu với bài diễn văn của Giáo hoàng Francis, cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đọc diễn văn trước Liên Hiệp Quốc.

Hơn 150 vị lãnh đạo các quốc gia, chính phủ đến từ 193 quốc gia thế giới, tham dự cuộc hội nghị thượng đỉnh với một chương trình nghị sự to lớn và quan trọng, bao gồm: 17 mục tiêu mới, 169 mục tiêu phát triển phụ và ba mục tiêu hành động trong "Chương trình phát triển đến năm 2030".

Ba mục tiêu phát triển của cả nhân loại đến năm 2030 đó là:  "Xóa đói giảm nghèo",  "Chiến đấu chống bất bình đẳng và bất công" và "Ngăn chặn biến đổi khí hậu."

Giáo hoàng Francis đọc diễn văn trước Liên Hiệp Quốc 2015, kêu gọi hãy cứu lấy "Mái nhà chung của nhân loại".

Để thực hiện được ba mục tiêu hành động nói trên, ngoài sự cố gắng thay đổi của các bộ máy chính quyền về cả ba mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì điều kiện thiết yếu để mang lại sự thay đổi chính là ý thức của mỗi người. Đó là ý thức về đạo đức, trách nhiệm, bổn phận, công bằng và về cái tâm nhân ái để thúc đẩy được hành động cụ thể.

Cho đến năm 2030, sự nghèo đói cùng cực của con người phải được chấm dứt. Tỷ lệ nghèo của mỗi quốc gia phải giảm ít nhất là 50%. Trên thế giới hiện nay có hơn 1 tỷ người chỉ sống bằng một số tiền tương đương với 1,25 đô la Mỹ một ngày, đó là mức nghèo cùng cực theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới.

Mỗi một con người sống trên trái đất đều phải có thực phẩm bảo đảm đầy đủ, trong đó có 3 đối tượng: người nghèo, người bệnh và trẻ em. Hiện nay cứ 9 người thì có 1 người thiếu ăn, tức là khoảng 800 triệu người dân thế giới không đủ ăn, trong số này 2/3  ở châu Á. Và mỗi năm có 3,1 triệu trẻ con dưới 5 tuổi chết vì đói.

Đến năm 2030, các bệnh dịch lớn như Aids, lao phổi và sốt rét phải được tiêu diệt. Ngoài ra các bệnh dẫn đến cái chết của sản phụ và trẻ sơ sinh cũng phải được phòng chống triệt để. Trên thực tế tình hình nhiễm Aids trong thời gian từ 2001 đến 2013 đã giảm xuống 38%, và số tử của trẻ con cũng giảm được ít hơn 17.000 ca so với thống kê năm 1990.

Tất cả mọi trẻ em thế giới, cho đến năm 2030, phải được hoàn thành giáo dục cấp tiểu học và trung học hoàn toàn miễn phí, bình đẳng và có chất lượng. Đại học phải mở cửa bình đẳng cho nam và nữ. Thống kê thế giới hiện nay cho biết có 97% trẻ em được học tiểu học, 63% được lên trung học, và việc ghi danh vào đại học tăng từ 19% lên 29% trong 10 năm (từ 2000 - 2010).

Tất cả mọi hành động phân biệt đối xử phụ nữ và trẻ em gái phải được chấm dứt, như bạo lực đối với phụ nữ, bóc lột và nô lệ tình dục, cưỡng hôn và tổn hại bộ phận sinh dục phụ nữ.

Trong thống kê "Gender Gap Report 2014", nghiên cứu và so sánh tình trạng sống của phụ nữ  cho biết là mức độ bình đẳng giới chỉ mới đạt được 60%, tình hình tệ nhất cho phụ nữ là ở các nước Cộng hoà Tschad, Pakistan và Yemen. Đức cũng chỉ mới đạt được hạng thứ 12 trên thế giới trong việc thực hiện nam nữ bình đẳng. Trong khi đó, Pháp còn "yếu" hơn, đứng hạng thứ 16 về bình đẳng nam nữ. Thậm chí, Mỹ cũng chỉ đạt được hạng thứ 20. Việt Nam xếp hạng thứ 76, bỏ cách Trung quốc hạng thứ 87 về bình đẳng nam nữ trên tổng số 142 quốc gia, mà dẫn đầu thế giới là Iceland và đứng cuối là Yemen.

Cho đến năm 2030 mọi người dân đều phải có nước uống sạch, ít tốn phí và có các hệ thống vệ sinh. Tình trạng hiện nay là còn 2,4 tỷ người không có nước sạch để uống. Có 946 triệu người sống không có điều kiện vệ sinh như nhà tắm, nhà vệ sinh.

Nguồn năng nhiệt cung cấp cho người dân phải có giá rẻ và bảo đảm. Các nguồn cung cấp năng nhiệt cho tiêu dùng như điện, gas, than củi…phải được đảm bảo, đồng thời theo dõi việc giảm thiểu khí thải CO2.

Ngoài ra còn có các mục tiêu phụ khác như phát triển kinh tế để cung cấp công ăn việc làm, giảm thất nghiệp, xây dựng hạ tầng kiến trúc cơ sở xã hội như nhà ở rẻ tiền, đường xá, cầu cống, phát triển trình độ kỹ thuật, giảm bớt sự giàu nghèo giữa các quốc gia, tiết kiệm nguyên liệu trong tiêu dùng để giảm rác thải, các biện pháp ngăn chặn sự biến đổi khí hậu, bảo vệ biển sạch, bảo vệ thiên nhiên, đất và rừng, xây dựng hợp tác trao đổi…

Trong bài diễn văn, Giáo hoàng Francis chỉ ra rằng "… Hệ thống tài chính thế giới đang đày ải những quốc gia nghèo bằng việc cho vay nặng lãi, đẩy tầng lớp người nghèo trên thế giới vào một cơn xoáy làm cho nghèo hơn, bị sàng lọc và bị bỏ rơi trong xã hội. Rồi từ đó phát sinh ra những hiện tượng buôn bán bộ phận cơ thể con người, bóc lột tình dục trẻ em, nô lệ trong công ăn việc làm, buôn bán ma túy, gia nhập tổ chức khủng bố và các băng nhóm tội phạm có tổ chức…"

Xã hội Việt Nam hiện nay có một ưu điểm, vừa xuất phát từ ý nghĩa tôn giáo mà cũng vừa xuất phát từ cái tâm lành của người Việt, đó là sự tương trợ thiện nguyện của đa số người Việt trong xã hội. Sự tương trợ thiện nguyện dù có khi còn là ít ỏi "một miếng khi đói…" nhưng được nhiều người thực hiện sẽ có tác dụng giáo dục, đạo đức và tạo nên một sợi dây tình cảm lớn.

Trong khi đó, tại nhiều quốc gia phát triển phương Tây, các thế hệ sau chiến tranh bị ảnh hưởng bởi những chủ nghĩa "hiện sinh", chủ nghĩa cá nhân, đã trở nên ích kỷ và cô độc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang