Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần đẩy mạnh quảng bá chủ quyền Biển Đông đến quốc tế

Thứ Sáu, 25/09/2015 14:40  | Anh Duy thực hiện

|

(CAO) “Thiếu tài liệu, yếu trong hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển đảo, đặc biệt là chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đến cộng đồng quốc tế” đang là bất lợi của Việt Nam trước đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã thẳng thắn nhìn nhận trong buổi trả lời phỏng vấn báo Công an TP.HCM sáng nay 25-9.

Là tên tuổi quen thuộc với những công trình khảo cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiến sĩ (TS) Nguyễn Nhã cho biết ông luôn đau đáu khi nghĩ về việc quảng bá chủ quyền trên Biển Đông đến cộng đồng quốc tế của ta hiện vẫn còn “rất yếu”.

“Tôi qua Mỹ, đến thư viện ở các thành phố lớn của nước này nhưng chỉ thấy những luận án nghiên cứu, tài liệu về chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam đếm trên đầu ngón tay.  – TS. Nhã cho biết.

Ông nhấn mạnh điều này cho thấy chúng ta đang “lép vế” về mặt tuyên truyền khi nhiều tài liệu của phía Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Anh để tiếp cận độc giả và giới nghiên cứu quốc tế dù nội dung trong đó có thể chứa thông tin sai lệch, “ngụy tạo chủ quyền”.

Cách tiếp cận về mặt học thuật này của Trung Quốc là vô cùng nguy hiểm khi có thể “biến giả thành chân”, gây nên những hiểu lầm đối với giới nghiên cứu về chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam.

Dù những năm gần đây chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh công tác quảng bá chủ quyền trên biển, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa bằng những hội thảo quốc tế, công bố bản đồ cổ hay bằng các luận án nghiên cứu, in sách tài liệu về chủ quyền biển đảo, nhưng việc làm đó cần được đẩy mạnh hơn để việc quảng bá thật sự có hiệu quả trong giới học thuật lẫn giới “bình dân” (độc giả bình thường, không nghiên cứu) của quốc tế.

TS. Nguyễn Nhã trong buổi phỏng vấn với báo CATP - Ảnh: Anh Duy

Là người có nhiều công trình nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa, TS. Nhã khẳng định trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, tuyên truyền về chủ quyền rất thuận lợi vì có rất nhiều kênh để quảng bá. Quan trọng là tài liệu, chứng cứ về chủ quyền biển đảo Việt Nam chúng ta đã có như mộc bản Triều Nguyễn, bản đồ cổ…

Việc quảng bá có thể bắt đầu bằng việc dịch thuật các tài liệu, sách, ảnh về chủ quyền Biển Đông sang tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác để phát hành trên hệ thống phát hành quốc tế (như phát hành sách qua Amazon).

Về mặt học thuật, các luận án nghiên cứu, tài liệu về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông cũng cần dịch ra nhiều ngôn ngữ để phát hành thông qua hệ thống thư viện quốc tế (Mỹ, Anh, Nhật…).

Đây là cách tiếp cận lan tỏa và hiệu quả đến giới nghiên cứu quốc tế, giúp họ có tài liệu đối chiếu, làm căn cứ phản bác với tài liệu của các nước khác (như Trung Quốc) nếu những tài liệu, luận án đó chứa thông tin chủ quyền sai lệch, TS. Nhã đề xuất.

Hoàng Sa, Trường Sa là yết hầu của Việt Nam

Nhiều năm nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là Hoàng Sa, Trường Sa- TS. Nhã nhiều lần nhấn mạnh hai quần đảo này là yết hầu của Việt Nam.

Nằm án ngữ giữa Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa là những quần đảo tiền đồn hướng ra biển. Với lợi thế nằm gần tuyến hàng hải sôi động của quốc tế, nơi “ cứ 4 tàu chở hàng trên thế giới, có 1 tàu chở hàng qua Biển Đông”, hai quần đảo này đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng không và hàng hải, từ tây sang đông, từ Đông Nam Á sang khu vực Đông Á và Bắc Mỹ.

So sánh với quần đảo Ryukyu của Nhật Bản (chuỗi các hòn đảo nằm phía tây Thái Bình Dương sát mép phía đông của Biển Hoa Đông, kéo dài từ phía nam Nhật Bản đến đảo Đài Loan), TS. Nguyễn Nhã cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa có vị thế còn hiểm yếu hơn cả vị thế quần đảo Ryukyu đối với Nhật Bản.

Ông giải thích từ Ryukyu hay bờ đông Nhật Bản tiến về phía đông là vùng biển mênh mông của Thái Bình Dương, không còn quốc gia hay vùng lãnh thổ nào án ngữ. Với Hoàng Sa và Trường Sa thì khác, vì nằm chắn phía đông đất liền Việt Nam nên muốn tiến ra vùng biển quốc tế (đến Đông Á, Bắc Mỹ), chúng ta buộc phải đi qua hai quần đảo này.

Các công trình Trung Quốc xây trái phép trên đá Vành Khăn- quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - Ảnh: Ảnh vệ tinh của CSIS

Thời gian gần đây, Trung Quốc sau khi chiếm đóng trái phép Hoàng Sa đã tiếp tục xây đảo nhân tạo phi phép ở một số đảo đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. TS. Nhã cho biết Việt Nam cần quyết liệt hơn, hành động mau chóng hơn trên nhiều phương diện từ tuyên truyền chủ quyền ( như đã đề cập ở trên), phản bác các luận điệu sai trái, tăng cường đấu tranh về mặt ngoại giao, có thể kiện ra tòa án trọng tài quốc tế như cách Philippines đang làm (vào thời điểm thích hợp) để ngăn chặn kịp thời kịch bản “chặn đường ra biển lớn” có thể xảy ra.

TS. Nguyễn Nhã cho biết thời gian qua chúng ta đã có những bước đi đúng hướng khi mở rộng đấu tranh chủ quyền trên mặt trận tuyên truyền, ngoại giao…

Một tác phẩm nghiên cứu về Hoàng Sa- Trường Sa của TS. Nguyễn Nhã

Những bài phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chủ quyền không thể chối cãi trên Biển Đông của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cấp cao.

Về tuyên truyền kiến thức chủ quyền biển đảo, nhiều đầu sách, tài liệu về vấn đề này đã được Việt Nam phát hành trong nước và quốc tế trong thời gian qua giúp nâng cao kiến thức của người dân về chủ quyền biển đảo.

“Chúng ta cứ tiếp tục phát huy những điều làm được, đẩy mạnh hơn những mặt đấu tranh còn khiếm khuyết ( như việc đẩy mạnh quảng bá chủ quyền Biển Đông đến quốc tế qua con đường học thuật…), tôi tin chúng ta sẽ chiến thắng vì chính nghĩa đứng về phía chúng ta” –TS. Nhã nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã sinh ngày 14.3.1939 tại Ninh Bình.

Năm 1966, ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa, Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Năm 1975, ông xuất bản Tập San Sử Địa số 29, Đặc khảo Hoàng Sa & Trường Sa và tổ chức triển lãm trưng bày sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Hiện ông là Trưởng Đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù & hát thơ Lạc Việt.

Nhiều tập sách khảo cứu về Hoàng Sa- Trường Sa của ông đã được xuất bản trong các năm qua như: Đặc khảo về Hoàng Sa,Trường Sa-Biển Đông và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (Phương Nam book, NXB Hội Nhà Văn ấn hành), Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (NXB Giáo dục), Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam ( sách viết chung với nhiều nhà nghiên cứu khác- NXB Trẻ)…

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang